Lạc quan nhìn về tương lai

Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 01/10/2020

(HNM) - Những câu chuyện về học sinh, giáo viên tại các cơ sở dạy trẻ khuyết tật để lại ấn tượng với bất cứ ai từng đến. Học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục mang ý nghĩa nhân văn này, nhiều học sinh tự tin vượt lên hoàn cảnh, nuôi dưỡng những ước mơ tươi đẹp, lạc quan nhìn về tương lai.

Một tiết mục văn nghệ vui Tết Trung thu của học sinh Trường Phổ thông cơ sở dân lập Dạy trẻ câm điếc Hà Nội.

Những trường học chuyên biệt

Phóng viên Báo Hànộimới đến Trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội (39 Hoàng Ngân, quận Thanh Xuân) vào một ngày cuối tháng 9-2020. Tại đây, trong tất cả các lớp học, thầy, cô giáo say sưa giảng bài, học sinh chăm chú nhìn theo từng nét chữ, cử chỉ thân quen. Quan sát kỹ, chúng tôi mới nhận ra sự khác biệt ở những lớp học này. Đó là, bàn ghế được sắp xếp theo hình zíc zắc, giúp học sinh dễ quan sát giáo viên giảng bài bằng ngôn ngữ ký hiệu. Khi cần, học sinh có thể rời bàn ghế, đến bên bục giảng đứng cạnh thầy, cô giáo để trao đổi, nêu ý kiến. Các giờ học diễn ra hấp dẫn, dù mỗi lớp chỉ có 10-13 học sinh.

Được trang bị kiến thức, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng, các thế hệ học sinh của Trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội ấp ủ những mơ ước tươi đẹp về tương lai. Chị Trương Thị Hương, phụ huynh cháu Nguyễn Thị Hương Giang, học sinh lớp 3 (đến từ tỉnh Thanh Hóa) cho biết, từ một đứa trẻ không biết giao tiếp, sống khép kín, sau hơn hai năm học tại trường, Hương Giang đã hòa đồng với mọi người, giao tiếp tốt, học tập tốt. Trưởng thành từ ngôi trường này, hai chị em ruột Nguyễn Thị Quyên và Nguyễn Thị Quỳnh (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức) hiện đã có việc làm, thu nhập đều đặn; còn cháu Trần Nam Long, đến từ tỉnh Vĩnh Phúc có năng khiếu hội họa, đang học tiếp lên cao tại Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành họa sĩ chuyên nghiệp…

Cùng có đa số học sinh là người khiếm thính, mỗi ngày đến trường, các thầy, cô giáo Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa) luôn nỗ lực mang đến niềm tin cho 460 học trò đang học tập tại đây. Học tập dưới mái trường này, học sinh không chỉ được nắm kiến thức phổ thông, mà còn được giáo dục hòa nhập. Ngoài những nghề phổ biến như đan len, thêu, dệt, may quần áo, hiện nay học sinh ở đây được học thêm nghề sửa chữa điện dân dụng, tin học văn phòng, nghiệp vụ nấu ăn, sửa chữa xe máy… để con đường hòa nhập thuận lợi, dễ dàng hơn.

Ngoài những địa chỉ nêu trên, Hà Nội còn có nhiều cơ sở giáo dục chuyên biệt như Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai)… vừa chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên, vừa dạy chữ, dạy nghề, phục hồi chức năng cho học sinh là người khiếm thính, khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ…

Trăn trở của người thầy

Cùng với sự nỗ lực của những người trực tiếp giảng dạy, nuôi dưỡng học sinh khuyết tật, hành trình tạo dựng, bồi đắp niềm tin cho các cháu luôn có sự đồng hành, hỗ trợ từ nhiều phía.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Phổ thông cơ sở Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội Mạc Chung Thủy cho biết, ngôi trường đặc biệt này thành lập từ năm 1990, do Tổ chức ICCO (Hà Lan) tài trợ. Từ năm 2010 đến nay, kinh phí tài trợ đã hết, mọi hoạt động của nhà trường phụ thuộc vào nguồn ủng hộ của xã hội và đóng góp của phụ huynh. Năm học 2020-2021, nhà trường có 87 học sinh, đến từ thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Trung bình mỗi học sinh phải đóng góp khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền ăn bán trú, nên các gia đình khó khăn vẫn có thể cho con, em theo học. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác tại trường chủ yếu hoạt động với tinh thần thiện nguyện, nên đôi khi bị biến động, ảnh hưởng đến việc học của các cháu.

Để học sinh khiếm thính có cơ hội học tập đầy đủ, bà Mạc Chung Thủy mong muốn các cơ quan chức năng, nhà hảo tâm dành sự quan tâm nhiều hơn đến những học sinh đặc biệt này.

Chung nỗi niềm nêu trên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn Phạm Văn Hoan cho biết, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội. Riêng 3 năm gần đây, nhà trường được đầu tư gần 4 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Tuy nhiên, nhà trường có nhiều học sinh ở xa, cách trường tới 50km, trong khi nhà trường không có khu nội trú, nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa, đón con đi học hằng ngày. Điều này làm ảnh hưởng tới cơ hội học tập của những học sinh khiếm thính ở khu vực xa trung tâm. Vì vậy, thầy và trò Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn luôn đau đáu với mong ước có khu nội trú dành cho học sinh khiếm thị.

Gắn bó thường xuyên với học sinh khuyết tật với nhiều dạng tật, chị Nguyễn Thị Hằng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn mong muốn có thêm những dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng cho các cháu. Đây cũng là trăn trở của cán bộ, giáo viên Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội.

Để viết tiếp những câu chuyện đẹp, chắp cánh cho những mong ước giản dị trở thành hiện thực, giúp học sinh khuyết tật lạc quan nhìn về tương lai cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị chức năng, những tấm lòng hảo tâm quan tâm đối với các cháu.

Minh Vũ