Nhiều đề án, văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đang nợ đọng

Đời sống - Ngày đăng : 13:56, 01/10/2020

(HNMO) - Sáng 1-10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với 10 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật và có hiệu lực pháp luật từ ngày 1-1-2021; tình hình xây dựng, trình các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 9 tháng năm 2020.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Thông tin đáng lưu ý là theo quy định hiện hành, Chính phủ yêu cầu ban hành 1 văn bản mới phải hủy 1 văn bản cũ, 1 nghị định chỉ ban hành 1 thông tư, 1 luật chỉ nên có từ 1 đến 2 nghị định hướng dẫn. Song, kết quả rà soát cho thấy, việc thực hiện yêu cầu này chưa nghiêm. Quá trình ban hành các văn bản luật và dưới luật chưa bảo đảm tính thống nhất và tập trung nên khi triển khai thi hành pháp luật gặp vướng mắc.

Tính đến nay, các bộ còn 18 văn bản nợ đọng. Trong số các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, các bộ còn phải trình Chính phủ ban hành 49 văn bản. Bên cạnh đó, tính đến ngày 30-9, các bộ, cơ quan còn nợ 35 chương trình công tác; trong quý IV-2020 phải hoàn thành 156 chương trình, đề án nữa. Như vậy, tính chung, các bộ, cơ quan còn 256 văn bản, chương trình, đề án cần ban hành, trong đó có 191 chương trình, đề án.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là ưu tiên số 1, phải bảo đảm tiến độ, trừ những văn bản có lý do rất chính đáng, những vấn đề rất nhạy cảm cần xem xét rất kỹ lưỡng. Vì vậy, trước khi diễn ra kỳ họp thứ mười của Quốc hội, các bộ, cơ quan cần tập trung nhân lực, vật lực xử lý dứt điểm việc ban hành văn bản, chương trình, đề án, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Hà Phong