Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội: Chọn lọc, nâng chất lượng, hiệu quả

Kinh tế - Ngày đăng : 06:10, 01/10/2020

(HNM) - Hai năm 2018-2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2016-2020, ước tính Hà Nội thu hút 25 tỷ USD nguồn vốn này. Đặc biệt, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội được chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.

Thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất máy in hiện đại tại Công ty Canon Việt Nam - một trong những doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư từ Nhật Bản. Ảnh: Nhật Nam

Tiêu biểu trong thu hút vốn ngoại

Giai đoạn 2016-2020, ước tính Hà Nội thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và là điểm sáng trên phạm vi cả nước. Liên tiếp 2 năm 2018 và 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn này. Dự kiến, 9 tháng năm 2020, Hà Nội thu hút 3,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm do đại dịch Covid-19. Lũy kế, hiện thành phố có 6.278 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đạt trên 47,7 tỷ USD, giải ngân đạt trên 28,5 tỷ USD.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thành phố đã đưa ra định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng đến dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa… Đến nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 12,8% về vốn, 10,4% về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cũng như đào tạo kỹ năng cho người lao động. Tiêu biểu như Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới tại Việt Nam của Samsung (Hàn Quốc) đặt tại Khu đô thị Tây Hồ Tây có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, với số vốn đầu tư 220 triệu USD, nhằm nghiên cứu, phát triển sản phẩm, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, mạng 5G… Hay dự án phát triển thành phố thông minh khu vực Bắc sông Hồng (hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài), do Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) hợp tác có số vốn đầu tư 4 tỷ USD, nhằm hình thành các trung tâm thương mại, tài chính… hiện đại mang tầm khu vực. 

Từ góc nhìn của giới đầu tư, Giám đốc Công ty Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia Kyle Kelhopher chia sẻ: "Hà Nội có điều kiện thuận lợi, đặc biệt là về hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao để hấp dẫn nhà đầu tư, dự án có hàm lượng công nghệ cao và đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng".

Trong khi đó, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội Takeo Nakajima xác nhận, có 41% công ty Nhật Bản đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Rõ ràng, đây cũng là thông tin thú vị để Hà Nội tận dụng thứ hạng trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm gia tăng thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề cần giải quyết để thu hút dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Đó là việc phát triển các khu, cụm công nghiệp chậm; giá thuê đất tại Hà Nội cao hơn các địa phương lân cận... Đặc biệt, ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội quy mô nhỏ, mới chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, chưa đủ sức kết nối, đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư nước ngoài lớn.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Synopex Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc), tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Danh Lam

Xác định mục tiêu, đồng bộ giải pháp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thành phố xác định mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu hút 30-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20-30 tỷ USD; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường tăng 50% so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa tăng lên trên mức 30% vào năm 2025.  

Để thực hiện mục tiêu này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố kiên trì quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả. Trong đó, chú trọng đối tác giàu tiềm năng như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... để hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tận dụng khả năng lan tỏa tới ngành công nghiệp nội địa.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phát triển công nghệ số, cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ bán dẫn… sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô. Bên cạnh đó, thành phố có thể nghiên cứu, phát triển một số mô hình kinh tế đô thị và hoàn toàn có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.

Hiện Hà Nội đang triển khai một số giải pháp, gồm: Tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi; xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025; hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh; kê khai và nộp thuế; bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng...

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu đề xuất, Hà Nội cần có cơ chế giúp liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước; khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Tại cuộc làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư trên tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn. Thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh của Hà Nội, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và hiện đại.

Hồng Sơn