Nghị định số 91/2020/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực: Kỳ vọng không còn cuộc gọi, tin nhắn rác

Xe++ - Ngày đăng : 06:14, 02/10/2020

(HNM) - Từ hôm qua (1-10), Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14-8-2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác chính thức có hiệu lực. Theo đó, nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ “quét” sạch tin nhắn rác, cuộc gọi rác để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, làm lành mạnh môi trường mạng.

Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch, một trong những điểm nổi bật của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP là quy định xây dựng danh sách các thuê bao từ chối nhận mọi quảng cáo (DNC). 

“Danh sách không quảng cáo (DNC) là tập hợp số điện thoại mà người có quyền sử dụng số điện thoại đó đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào. Tổ chức, cá nhân, các nhà mạng không được phép gọi điện thoại, gửi tin nhắn quảng cáo tới các số điện thoại trong danh sách này”, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết.

Ngoài ra, khi thuê bao từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời cuộc gọi quảng cáo, tổ chức, cá nhân quảng cáo không được phép gửi tiếp tin nhắn hay thực hiện cuộc gọi quảng cáo đến số điện thoại đó. Kể cả khi thuê bao đã đồng ý nhận quảng cáo nhưng sau đó yêu cầu từ chối, tổ chức, cá nhân có nội dung quảng cáo phải chấm dứt việc gửi quảng cáo. Đây được coi là giải pháp giúp người dân có được công cụ cần thiết để chủ động tự bảo vệ trước tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo.

Tin tưởng những quy định mới này sẽ phát huy hiệu quả, anh Hoàng Minh, ở ngõ 50, đường Trần Phú (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) nêu ý kiến: “Tôi mong các nhà mạng sẽ nghiêm túc chấp hành quy định về đăng ký thông tin thuê bao cũng như quản lý các đối tác kinh doanh dịch vụ nội dung số, đầu số hợp tác với nhà mạng... để bảo vệ quyền lợi khách hàng”.

Bên cạnh việc đưa ra các quy định về công tác quản lý, nghị định cũng đưa ra mức xử phạt 80-100 triệu đồng, áp dụng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không nhận quảng cáo. Mức phạt trên còn áp dụng cho dạng tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo vi phạm các nội dung bị cấm theo Luật Giao dịch điện tử, vi phạm Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Đồng tình với mức xử phạt này, chị Nguyễn Thùy Linh, số nhà 16 ngõ 42, phố Trung Liệt (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) mong muốn, các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm để ngăn chặn vấn nạn “rác” viễn thông như trong thời gian qua.

Theo đại diện các nhà mạng, thực hiện Nghị định số 91/2020/ NĐ-CP, các nhà mạng đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các giải pháp công nghệ tiên tiến để bảo vệ khách hàng. Cụ thể, kể từ ngày 10-8-2020, các nhà mạng VNPT/VinaPhone, Viettel và sau đó là MobiFone đã áp dụng AI nâng cao (AI sinh trắc học) chụp ảnh khách hàng ở nhiều góc độ khi đăng ký thông tin thuê bao, qua đó rà soát để bảo đảm 1 người chỉ có thể đăng ký 1 thuê bao. Theo đại diện Ban Khách hàng cá nhân, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (Tập đoàn VNPT), sau 1 tháng triển khai AI nâng cao, mạng VinaPhone đã đăng ký mới cho 4 triệu khách hàng bằng công nghệ này.

Trước đó, từ tháng 7-2020, các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã chủ động triển khai giải pháp kỹ thuật chặn cuộc gọi rác. Theo thống kê, các nhà mạng trên đã ngăn chặn 18.329 thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ phản hồi của khách hàng về cuộc gọi rác là rất thấp (trung bình 5%), trong khi đó, chất lượng và hiệu quả của giải pháp ngăn chặn phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ phản hồi của khách hàng.

Vì vậy, để ngăn chặn “rác” viễn thông, bên cạnh các quy định về quản lý nhà nước, rất cần sự ủng hộ của các thuê bao di động bằng cách phối hợp trả lời tin nhắn thu thập ý kiến phản hồi của các khách hàng nhận cuộc gọi nghi ngờ có hành vi tạo cuộc gọi rác.

Việt Nga