Thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến cử tri về sáp nhập đơn vị hành chính cấp phường
Đời sống - Ngày đăng : 14:42, 02/10/2020
Phiếu lấy ý kiến đã được các tổ công tác gửi đến từng hộ gia đình trên địa bàn. Trong ngày mai (3-10), tổ lấy ý kiến cử tri tại từng khu phố gửi biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu và biên bản kết quả kiểm phiếu về UBND các phường để tổng hợp báo cáo cho HĐND phường và UBND quận (trước ngày 5-10). Sau đó, UBND quận sẽ báo cáo HĐND quận và UBND thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 7-10.
Theo kế hoạch, trước ngày 9-10, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ báo cáo kết quả này đến HĐND thành phố Hồ Chí Minh và Chính phủ. Sau khi lấy ý kiến cử tri, nếu có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành, từ ngày 9-10 đến 12-10, HĐND các cấp có liên quan thảo luận, biểu quyết chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp phường tại thành phố trực thuộc Trung ương như thành phố Hồ Chí Minh, các phường thuộc quận phải có quy mô dân số từ 15.000 người trở lên; diện tích từ 5,5km2 trở lên.
Theo tiêu chuẩn này, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tổ chức lại đơn vị hành chính cấp phường như sau: Quận 2 sẽ nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm (dự kiến thành phường Thủ Thiêm), nhập phường Bình Khánh và Bình An (thành phường An Khánh); quận 3 nhập phường 6, 7, 8 (dự kiến thành phường Võ Thị Sáu); quận 4 nhập phường 2 và 5 (thành phường 2), nhập phường 12 và 13 (thành phường 13); quận 5 nhập phường 12 và 15 (thành phường 12); quận 10 nhập phường 2 và 3 (dự kiến thành phường 2); quận Phú Nhuận nhập phường 11 và 12 (dự kiến thành phường 11), nhập phường 13 và 14 (dự kiến thành phường 13).
Sau khi sáp nhập (bao gồm cả việc sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức thành thành phố mới với tên gọi dự kiến là thành phố Thủ Đức), thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm từ 24 còn 22 quận, huyện (gồm 16 quận, 1 thành phố, 5 huyện); giảm từ 322 xuống còn 312 xã, phường, thị trấn (gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).