Sáng tạo trong tổ chức và thực hiện

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 03/10/2020

(HNM) - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", những năm qua, thành phố Hà Nội không ngừng sáng tạo, đổi mới trong triển khai, thực hiện các phong trào thi đua cho phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, các phong trào thi đua của thành phố ngày càng đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Việc thành phố tổ chức tốt các phong trào thi đua đã tạo động lực to lớn, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ của các ngành, các cấp và của toàn thành phố. Cụ thể, từng địa phương, đơn vị đều phát động các phong trào thi đua gắn với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ. Đáng chú ý, đến nay 100% các đơn vị trên địa bàn thành phố đều triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”, cuộc thi “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt”. Qua đó đã có hơn 5.000 cá nhân người tốt, việc tốt tiêu biểu được thành phố biểu dương, khen thưởng; hơn 30.000 cá nhân người tốt, việc tốt được các cấp, các ngành khen thưởng trong giai đoạn 2015-2020. Toàn thành phố cũng xuất hiện nhiều gương lao động sáng tạo, nhiều mô hình, giải pháp hay trên tất cả các lĩnh vực.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp các phong trào thi đua ngày càng hiệu quả và thực chất là do thành phố luôn quan tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, việc biểu dương, khen thưởng và tôn vinh gương người tốt, việc tốt được thể hiện ở nhiều hình thức mới, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để nhân lên những việc làm đẹp.

Thực tế cho thấy, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2020 cũng như giai đoạn 2020-2025 của thành phố Hà Nội rất nặng nề. Do đó, phong trào thi đua của các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh thiết thực và hiệu quả hơn.

Trước hết, cần gắn các phong trào thi đua với nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên cơ sở phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc của đơn vị, địa phương. Phong trào thi đua phải có nội dung cụ thể, thiết thực, hướng về cơ sở. Việc tổ chức không phô trương, hình thức, đi vào những việc mới, việc khó; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua.

Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc đánh giá kết quả các phong trào thi đua và lựa chọn những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến cần được tiến hành kịp thời, thực chất, tăng cường khen thưởng đột xuất; tránh tình trạng khen thưởng chỉ tập trung vào người có chức vụ. Đồng thời, thường xuyên quan tâm xây dựng, phát hiện và nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, phổ biến, trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, tạo sự lan tỏa trong đơn vị, địa phương.

Với mỗi công dân, dù ở độ tuổi, cương vị nào cũng đều có thể tham gia các phong trào thi đua được phát động tại địa phương, đơn vị. Tham gia vào phong trào thi đua chính là dịp để mỗi người rèn luyện bản thân, khẳng định mình, đồng thời đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

Với truyền thống vẻ vang, cán bộ và nhân dân Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực, chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua, góp sức xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng với lời dạy và niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời.

Đỗ Quỳnh Chi