Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch
Xã hội - Ngày đăng : 06:18, 04/10/2020
Góp phần cải thiện Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam
- Công Thương là lĩnh vực có liên quan đến nhiều doanh nghiệp. Xin bà cho biết những kết quả nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương thời gian qua?
- Công tác cải cách thủ tục hành chính được Bộ Công Thương tiến hành qua hai giai đoạn. Giai đoạn một, từ năm 2011 đến năm 2015, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 192 thủ tục hành chính. Từ năm 2015 đến nay, Bộ đã xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính hằng năm và cắt giảm, đơn giản hóa 514 thủ tục hành chính khác.
Về cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đến nay, Bộ đã rà soát, cắt giảm 880/1.216 điều kiện kinh doanh, được đánh giá là Bộ tiên phong cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra, còn có 56% danh mục các sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương được cắt giảm, góp phần giảm số tờ khai hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng hiện chỉ còn chiếm 3% tổng số tờ khai nhập khẩu hàng hóa (giai đoạn 2015-2016 là 8-10%).
Kết quả cải cách hành chính của Bộ Công Thương đã góp phần cải thiện Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam.
- Kết quả cải cách hành chính được đo bằng sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân. Bà có thể nói rõ hơn, lợi ích mà doanh nghiệp và người dân nhận được là gì?
- Bộ Công Thương luôn lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng công tác cải cách hành chính. Lợi ích mà doanh nghiệp, tổ chức và người dân nhận được là sự thuận lợi, nhanh chóng trong thực hiện thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành; là minh bạch thông tin, quy trình thực hiện. Cùng với việc xây dựng nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, Bộ thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương; tăng cường đối thoại, khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về việc giải quyết các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Theo “Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố đầu năm 2019, Bộ Công Thương đứng đầu về tỷ lệ các doanh nghiệp đưa ra đánh giá “dễ” và “rất dễ” đối với các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, trong số 3.061 doanh nghiệp được khảo sát, có 483 doanh nghiệp cho biết, từng thực hiện các thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, chiếm 15,8%. Đáng chú ý, 27% doanh nghiệp đánh giá thủ tục cấp phép quản lý chất lượng hàng hóa của Bộ Công Thương là “dễ” và “rất dễ”, đứng đầu trong các bộ, ngành. Về các thủ tục như công bố hợp quy, kiểm tra chất lượng, cấp phép an toàn thực phẩm và kiểm tra an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng chiếm vị trí cao nhất về tỷ lệ doanh nghiệp đưa ra đánh giá “dễ” và “rất dễ”.
Gắn với xây dựng chính phủ điện tử
- Từ những kết quả có được, bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm để làm tốt cải cách hành chính?
- Tại Bộ Công Thương, công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, gắn với trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, các đồng chí Thứ trưởng theo lĩnh vực phụ trách. Ngoài ra, hằng năm, Bộ thực hiện rà soát đánh giá tổng thể các thủ tục hành chính, để xây dựng, ban hành phương án đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương. Bộ cũng đặc biệt quan tâm, đôn đốc và bảo đảm khả năng thực thi của các thủ tục hành chính để cụ thể hóa phương án cắt giảm, đơn giản hóa được đặt ra trước đó.
- Bộ Công Thương nhìn nhận ra sao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế hồi phục thông qua đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính nhằm vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19, thưa bà?
- Dịch Covid-19 được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn đan xen với thuận lợi, thách thức đan xen với thời cơ, Việt Nam đã xác định được những điểm yếu, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế và đang tập trung xử lý, như: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng…; bên cạnh đó, trên thế giới đang có dòng dịch chuyển tài chính, thương mại, vốn đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, chúng ta quyết liệt ngay từ đầu trong phòng, chống dịch Covid-19; duy trì tốt các điều kiện hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin; nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa, phi giấy tờ; đẩy mạnh thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài… Từ đó, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa tháo gỡ được những điểm nghẽn để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Công Thương xác định, cải cách thủ tục hành chính sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, qua đó, giải phóng nguồn lực của người dân, doanh nghiệp dành cho việc tuân thủ, thực hiện các thủ tục không cần thiết; tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh.
- Được coi là Bộ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai những giải pháp gì, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này?
- Trước mắt, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Một trọng tâm nữa được Bộ tập trung triển khai trong thời gian tới là xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm tăng tính hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, Bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, báo cáo, kết quả triển khai các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Bộ và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ. Từ đó thúc đẩy toàn ngành Công Thương tích cực đi đầu trong chuyển đổi sang nền kinh tế số, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống của người dân.
- Trân trọng cảm ơn bà!