Nông nghiệp 4.0 và nông dân thời @
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 05/10/2020
Mới đây, tại cuộc đối thoại với nông dân về chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Một khát vọng của Việt Nam hùng cường vào năm 2045 cũng là khát vọng của người nông dân. Phải hình thành một tầng lớp nông dân mới hiểu biết về thị trường, quy luật thị trường để biết cách sản xuất. Sản xuất nông nghiệp phải thắng ngay từ khi gieo hạt, chứ không phải sản xuất thứ người ta không có nhu cầu. Nhà nước sẽ hỗ trợ tốt hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân nhưng tự lực, tự cường đối với nông dân rất cần thiết, nhất là nông dân trẻ…
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với nông nghiệp, thuật ngữ “nông nghiệp 4.0” đã ra đời tại nước Đức vào năm 2011. Nông nghiệp 4.0 là nông nghiệp ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 (Internet, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ chiếu sáng, công nghệ robot…) sao cho giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, sâu bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quy trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp. Xu hướng phát triển này đã đạt được thành công vượt trội ở những nước có nền nông nghiệp phát triển như: Mỹ, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, Israel… khi chi phí giá thành sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn 5% (trong khi ở Việt Nam hiện là 50%).
Việt Nam không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp mang tính toàn cầu này và ở thời điểm hiện tại, không quá khó khăn để gặp những nông dân thời @ với chiếc điện thoại thông minh ứng dụng công nghệ cảm biến điều chỉnh độ ẩm, ánh sáng trong chu trình sản xuất… Tuy nhiên, chúng ta chưa có mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0 cũng như lực lượng nông dân ngang tầm với đòi hỏi phát triển của thời đại.
Nông dân là chủ thể của sản xuất nông nghiệp, là trung tâm của xã hội nông thôn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nông nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến tư duy, phương thức sản xuất, môi trường sống, thay đổi cơ cấu xã hội nông thôn thì hơn ai hết người nông dân phải khẳng định được “chỗ đứng” của mình. Từ đó tạo nền tảng vững chắc làm điểm tựa vượt qua những “vòng xoáy” bất lợi, hiện thực hóa cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Ở điểm nhìn khác, có thể nhận định: Muốn xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng trong tương lai, phải hình thành được tầng lớp nông dân mới.
Như vậy, trước hết mỗi người nông dân, đặc biệt là nông dân trẻ cần nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể của chính mình trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như tính tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp. Từ đó, nuôi dưỡng khát vọng làm giàu cho chính mình, cho quê hương bằng việc nâng cao trình độ, mạnh dạn thay đổi phương thức quản lý, chủ động tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Khi người nông dân coi sự đột phá về tư duy sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường… là đòi hỏi tự thân thì mới tạo được chuyển động mới.
Để Việt Nam ngày càng có nhiều hơn những nông dân thời @, cùng với việc đổi mới chính sách về vốn đầu tư; sở hữu đất đai; nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ... thì cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực nông thôn. Qua đó hỗ trợ người nông dân tận dụng tốt nhất cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra. Đặc biệt phải tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - ngân hàng - nhà doanh nghiệp - nhà phân phối); trong đó, Nhà nước là “nhạc trưởng” của mối liên kết.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Trong thời đại toàn cầu hóa dưới sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nền nông nghiệp 4.0 là hướng đi tất yếu và cùng với đó là tầng lớp nông dân thời @ hội tụ các yếu tố: Nhận thức mới, tư duy mới, kiến thức mới, cách làm kinh tế mới, đời sống mới.