Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa: Kiến tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Xe++ - Ngày đăng : 07:20, 05/10/2020
Lan tỏa đam mê khoa học công nghệ, khát vọng sáng tạo
Không gian mạng internet có lượng tài liệu khổng lồ nhưng không phải văn bản nào cũng đáng tin cậy. Nhiều tư liệu đánh giá, nhiều tri thức của nhân loại chưa được dịch sang tiếng Việt, nhiều tư liệu quý chưa được sắp xếp có hệ thống để tra cứu thuận tiện... Những khó khăn đó đã cản trở việc xây dựng một xã hội học tập suốt đời, phổ biến những tri thức khoa học công nghệ của thời đại đến người dân Việt Nam.
Chính thức khởi động ngày 1-1-2018, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” đặt mục tiêu xây dựng nền tảng dữ liệu và phổ biến tri thức phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, như: Giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, văn hóa... Trên nền tảng này, nhiều công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo (chatbot), xử lý dữ liệu lớn (Big Data, data mining)... được ứng dụng để xây dựng các phân hệ sản phẩm nhằm phổ biến tri thức tới người dân một cách thuận tiện, hiệu quả và đơn giản.
Với 4 phân hệ chính: Dữ liệu mở, ngân hàng hỏi đáp, hệ tri thức và nhà phát triển, hệ tri thức Việt số hóa (http://itrithuc.vn) đã mang đến một nguồn tri thức chính thống. Đặc biệt, các thông tin từ các cơ quan, tổ chức, trường học... được chia sẻ một cách bài bản từ hệ sinh thái này.
Là đề án không sử dụng ngân sách nhà nước, tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin với sự chung tay từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng, đến nay, một số dự án của “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” đã ra mắt và đang tiếp tục hoàn thiện. Qua đó, từng bước xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu vừa đáp ứng nhu cầu hiểu biết cơ bản cho người dân, vừa đem đến những tri thức chuyên sâu nhất, hiện đại nhất của khoa học kỹ thuật thế giới đến cộng đồng.
Việc các dữ liệu và tri thức được kết nối và chia sẻ với cấp số nhân đã tạo cơ hội để mọi người tiếp cận sử dụng, tạo ra giá trị gia tăng cho cả cộng đồng. Đây là vấn đề cốt lõi để triển khai phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học công nghệ, và khát vọng sáng tạo ở mọi người, nhất là ở thế hệ trẻ.
Góp phần phát triển công nghiệp nội dung số
Được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực, phối kết hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động triển khai kế hoạch công tác.
Ngay từ những ngày đầu, Đề án đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, tích cực của nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp viễn thông lớn, doanh nghiệp công nghệ thông tin, xuất bản, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, các diễn đàn, mạng xã hội… Mọi tầng lớp người Việt trong và ngoài nước cũng tham gia khai thác và đóng góp tri thức vào bách khoa nội dung số hóa Việt thông qua 6 phân hệ của Đề án (Trang đề án, Hệ tri thức, Dữ liệu mở, Ngân hàng hỏi đáp, Kho ứng dụng, Nhà phát triển). Các tri thức này sẽ được các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước thẩm định, hiệu chỉnh để hình thành hệ tri thức toàn diện cho người Việt.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia Đề án. Chỉ trong vòng 6 tháng, hàng chục kỹ sư của Viettel từ hai miền Bắc - Nam đã nỗ lực vào cuộc. Nhiều phiên bản cập nhật của Hệ tri thức Việt số hóa với những lần thay đổi mang đến giải pháp hiện đại cho người sử dụng.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tích cực góp sức cùng Đề án. Hơn 10.000 bộ dữ liệu đã được cung cấp cho kho tàng Dữ liệu mở, trở thành nguồn thông tin tra cứu hữu ích vô cùng. Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục đưa thêm 15.000 bài viết chất lượng hơn nữa phát triển cho phân hệ Hệ tri thức.
Kết quả của nhiều đề án, nhiệm vụ khoa học công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ cũng được mang ra ứng dụng và phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) để từng bước tạo ra các ứng dụng kết nối, chia sẻ dữ liệu, tri thức với cộng đồng.
Tính đến nay, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” đã hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực, như: Thông tin nhân đạo (inhandao.vn), Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn), Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19 (antoancovid.vn), Nền tảng giáo dục số (igiaoduc.vn), Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (bktt.vn)...
Việc phát triển thành công Hệ tri thức Việt số hóa còn từng bước góp phần phát triển công nghiệp nội dung số của Việt Nam, định hướng việc sử dụng tri thức của người dùng trên môi trường mạng.
Ngày 18-5-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 677/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”, nhằm thực hiện các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 về việc phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.