Hiệu quả từ mô hình quản lý an toàn thực phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 06:20, 06/10/2020
Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm
Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở giai đoạn 2, quận Long Biên đã triển khai ngay các nhiệm vụ xây dựng và duy trì các mô hình điểm về quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; tích cực chỉ đạo, giám sát việc tạm dừng toàn bộ lễ hội; hạn chế tổ chức bữa cỗ tập trung đông người để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo kết quả các đợt kiểm tra, công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Long Biên được quan tâm đúng mức với 100% hộ kinh doanh đã cam kết về an toàn thực phẩm; 95% hàng ăn chín có tủ kính; 90% các hộ kinh doanh rau có giá đỡ cao hơn mặt đất tối thiểu 15cm; hơn 90% số hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống có mặt bàn bày bán bảo đảm vệ sinh... Mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ đông người được các phường duy trì tốt, số bữa cỗ tập trung đông người giảm do yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch. 121/121 bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại các hộ gia đình được tư vấn, giám sát về an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm vệ sinh, an toàn trong chế biến, bảo quản.
Theo Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt, thời gian qua, quận tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Long Biên nhiệm kỳ 2020-2025, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia, chuẩn bị khai giảng năm học mới. Đặc biệt, từ cuối tháng 8-2020, Phòng Y tế quận tập trung triển khai các biện pháp ngăn ngừa ngộ độc do sử dụng pate Minh Chay và các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm 2020...
Cùng với đó, đẩy mạnh hiệu quả từ mô hình quản lý an toàn thực phẩm, bao gồm tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát; nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học; kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người; hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và mô hình điểm của quận: “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở tuyến phố hoạt động đêm”.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm, cho biết: “Từ khi phố ẩm thực tổ 27 phường Ngọc Lâm được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đến nay, hằng tháng, hằng quý phường phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế quận tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát lần lượt các cơ sở và nhắc nhở, xử lý những cơ sở chưa thực hiện tốt. Các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố bắt buộc phải ký hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm và những cơ sở này phải bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định”.
Nhờ phát huy tốt các mô hình quản lý an toàn thực phẩm, tình hình chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nhiều chuyển biến rõ rệt nên trên địa bàn quận đã không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, mặc dù thời gian qua công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của quận được làm tốt, song vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm bị gián đoạn, chưa được triển khai theo đúng kế hoạch.
“Do một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có quy mô nhỏ nên mức độ đầu tư về trang thiết bị, dụng cụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc cập nhật phiếu giao nhận thực phẩm chưa được tiến hành thường xuyên; việc ghi chép về nguồn gốc nguyên liệu chưa đầy đủ; việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát còn khó khăn do chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng. Một số cơ sở kinh doanh vào buổi tối và đêm..., khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn”, bà Lương Thị Minh Nguyệt thông tin.
Cũng theo bà Lương Thị Minh Nguyệt, để việc triển khai, duy trì và nhân rộng mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đạt hiệu quả cao nhất, cần tăng cường triển khai các mô hình về an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu trước tháng 12-2020. Duy trì công tác điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm, kịp thời xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm (nếu có).
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương khẳng định, để mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” thu được hiệu quả cao nhất, đồng thời giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, cần có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng trật tự đô thị, công an trong đôn đốc, giám sát các cơ sở thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong quá trình kinh doanh, đặc biệt các cơ sở hoạt động đêm.
“Cần phát huy vai trò tích cực của báo chí trong đưa tin về các cơ sở thực hiện tốt, nhận diện các cơ sở có vi phạm. Cùng với đó, cần tiếp tục quan tâm hơn tới việc tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm từ cấp quận, phường và tổ dân phố..., nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn”, bà Đinh Thu Hương nhấn mạnh.