Thành phố Hồ Chí Minh: Kỳ vọng vào cách thức tổ chức đô thị mới

Đời sống - Ngày đăng : 07:55, 07/10/2020

(HNM) - Ngay trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, hơn 80% cử tri các quận 2, 9 và Thủ Đức bỏ phiếu đồng thuận sáp nhập 3 quận này thành thành phố Thủ Đức. Cách thức tổ chức đô thị mới đang dần rõ nét và mang đến nhiều kỳ vọng.

Với việc đề xuất xây dựng chính quyền đô thị và thành lập thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh vừa được Chính phủ thông qua đã đề xuất điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND thành phố và của UBND quận, phường từ ngày 1-7-2021. Khi đó, UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

“Hiện, chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh đang được tổ chức thành nhiều cấp nên đời sống đô thị bị chia cắt, khó bảo đảm tính thống nhất. Sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh đang đòi hỏi một bộ máy tổ chức chính quyền đô thị phù hợp và hiệu quả hơn. Vì vậy, Nghị quyết khi được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hồ Chí Minh; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, phù hợp với tính chất đô thị đặc biệt”, Tiến sĩ Quách Thị Minh Phượng (Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, sau sáp nhập quận, phường, thành phố Hồ Chí Minh sẽ không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường trên địa bàn (5 huyện ngoại thành là Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi giữ nguyên mô hình như hiện nay). Khi bỏ HĐND cấp quận và phường, chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND quận do Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường do Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm. Thành phố Thủ Đức (sáp nhập từ các quận 2, 9 và Thủ Đức) vẫn có HĐND và UBND.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, thành phố đã thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong giai đoạn 2009-2016 ở tất cả quận, huyện. Thực tiễn cho thấy việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn vẫn bảo đảm, một số mặt trong thực hiện dân chủ ở cơ sở được tăng cường. Theo dự kiến, các bộ, ngành trung ương sẽ hoàn thiện dự thảo, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Đẩy nhanh việc thành lập thành phố Thủ Đức

Dự kiến được sáp nhập từ các quận 2, 9 và Thủ Đức, thành phố Thủ Đức trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh có diện tích hơn 211km2, dân số hơn 1 triệu người, đạt chuẩn đô thị loại I, dự kiến đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hồ Chí Minh.

Cử tri các quận 2, 9 và Thủ Đức đã bày tỏ quan điểm của mình qua những lá phiếu. Theo đó, quận 2 có 82% số cử tri đồng ý; quận 9 có hơn 97,2% số cử tri đồng ý; quận Thủ Đức có hơn 97,8% số cử tri đồng ý sáp nhập 3 quận trên thành thành phố Thủ Đức. Ông Nguyễn Hữu Đàm, ngụ tại đường số 9, khu phố 4, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức chia sẻ: “Tôi và gia đình ủng hộ việc thành lập thành phố Thủ Đức hiện đại, hội tụ nhiều tiện ích và tiềm năng phát triển bậc nhất cả nước”.

Ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Tổ biên soạn Đề án thành lập thành phố Thủ Đức cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh xác định có thể thành lập thành phố Thủ Đức có tính chất toàn vẹn về hạ tầng, thay vì chỉ dừng lại là bộ phận của đô thị như các quận khác. Tại đây dự kiến sẽ đầu tư phát triển 8 trung tâm, gồm: Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm công nghệ cao; Trung tâm công nghệ giáo dục; Khu công nghệ sinh thái Tam Đa; Khu đô thị tương lai Trường Thọ; Khu Đại học Long Phước và Cảng quốc tế Cát Lái.

Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang cho rằng, thành phố Thủ Đức sẽ là đô thị có mô hình phát triển mới, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Nơi đây sẽ tích hợp nhiều lĩnh vực là thế mạnh của thành phố Hồ Chí Minh, như: Khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, logistics..., đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Nếu không đổi mới để phát triển thì thành phố Hồ Chí Minh sẽ tụt hậu. Do đó, thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thành lập thành phố Thủ Đức, dự kiến sẽ báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới.

Phương Nam