Cần sự đầu tư xứng tầm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 08/10/2020

(HNM) - Những năm qua, sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội đã ghi những dấu ấn nhất định trên thị trường không chỉ riêng ở Hà Nội mà còn trên thị trường cả nước và thế giới. Những sản phẩm công nghiệp chủ lực tập trung ở nhóm ngành: Điện - điện tử; hóa nhựa; dệt may - da giày; chế biến lương thực - thực phẩm…, gắn liền với thương hiệu của những doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty May 10, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp…

Với định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chủ lực, thúc đẩy hợp tác, liên kết với sản phẩm công nghiệp chủ lực các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các ngành, các cấp Hà Nội luôn đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm… Và quan trọng nhất, với sự nỗ lực của doanh nghiệp, các sản phẩm chủ lực đã tạo được giá trị thương hiệu; nhiều sản phẩm được vinh danh nhiều lần bởi doanh nghiệp luôn có sự đầu tư không ngưng nghỉ.

Theo đó, thời gian qua đã có 92 sản phẩm của 59 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố. Điều đó giúp doanh thu của 59 doanh nghiệp này trong năm 2019 đạt gần 100.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD. Với nền tảng khá chắc chắn, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được nhịp sản xuất…

Tuy vậy, có thực tế, dù đóng góp đáng kể cho sự phát triển của kinh tế Thủ đô nhưng tính cạnh tranh của những sản phẩm này đang còn hạn chế vì doanh nghiệp vẫn phải chịu các chi phí lớn về tiền thuê đất, lao động, nguồn nguyên liệu… Do đó, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế thế giới như hiện nay thì việc đầu tư cho sản phẩm công nghiệp chủ lực là hướng đi đúng đắn và cần thiết, song rất cần sự đầu tư xứng tầm.

Ở đây, yếu tố quyết định nhất vẫn là doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải nỗ lực gây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm. Muốn vậy, doanh nghiệp phải đầu tư về nhân lực, máy móc, công nghệ; luôn đặt mình trong “dòng chảy” của thị trường, nắm được xu thế vận động phát triển để đón đầu cơ hội. Khi có đủ sức vươn, sản phẩm sẽ không chỉ là chủ lực của riêng Hà Nội, mà sẽ có sức dẫn dắt, lan tỏa chung với nền kinh tế cả nước.

Để những “hạt nhân” doanh nghiệp có được sản phẩm chủ lực, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng. Ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ trong tiếp cận vốn ưu đãi, khoa học công nghệ, được tạo điều kiện để tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tạo cầu nối giữa những nhà sản xuất có công nghệ thiết bị hiện đại, tiên tiến của nước ngoài với doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp liên kết, đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng các điều kiện ngày càng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sản phẩm công nghiệp chủ lực sẽ có lợi thế lớn trên thị trường. Tuy nhiên, để tạo được sức bật hơn nữa, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cũng như vinh danh các sản phẩm để doanh nghiệp ý thức được thế mạnh của sản phẩm, từ đó tập trung nguồn lực cho phát triển.

Khi được đầu tư xứng tầm, Hà Nội sẽ có nhiều hơn sản phẩm chủ lực mang tính nền tảng, tác động lan tỏa đến các ngành sản xuất khác. Qua đó, góp phần hình thành những ngành công nghiệp phát triển bền vững và thực hiện hiệu quả Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 mà thành phố đã đề ra.

Thiện Mỹ