Chính trị

Đưa nông thôn Hà Nội vươn tới tầm cao mới

Nguyễn Mai 08/10/2020 15:46

Là một trong 8 chương trình công tác toàn khóa thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ thành phố Hà Nội, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa nông thôn Hà Nội vươn tới tầm cao mới.

Báo Hànộimới có bài phỏng vấn đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về chặng đường 5 năm qua và những định hướng thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới.

Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ nét

- Xin đồng chí đánh giá một cách khái quát những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ qua?

- Năm năm qua; kế thừa và phát huy tốt những thành quả đã đạt được của các nhiệm kỳ trước; huy động sự vào cuộc quyết liệt, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực, hiệu quả của nhân dân; Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy được triển khai thực hiện quyết liệt và đã đạt kết quả toàn diện, nổi bật.

Từ đầu năm 2016 đến tháng 6-2020, Hà Nội đã huy động được hơn 56.512 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới hàng trăm trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; hàng nghìn ki lô mét đường giao thông nông thôn, bảo đảm nhu cầu sản xuất, giao thương, sinh hoạt của nhân dân. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quá trình đô thị hóa, phát triển từ xã thành phường, từ huyện thành quận.

Đến cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,5%. So với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đã đề ra, các kết quả trong xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành trước hạn 2 năm, đưa Hà Nội đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; triển khai và xây dựng được 15 xã nông thôn mới nâng cao.

- Cùng với sự thay đổi rõ rệt về diện mạo là sự chuyển động về “chất” trong đời sống người dân khu vực nông thôn. Đồng chí đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Đích đến của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống người dân. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, có thể thấy, đời sống người dân khu vực nông thôn đã không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đến nay ước đạt 55 triệu đồng/năm, gấp 1,67 lần năm 2015. Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.

Công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên trên 98%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề 85%; tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 90,1%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 100%, trên 75% được sử dụng nước sạch đô thị.

Nền tảng văn hóa truyền thống của các vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Việc thực hiện các quy tắc ứng xử của thành phố trong cơ quan, đơn vị và nơi công cộng dần đi vào nền nếp; phát huy vai trò của quy ước, hương ước thôn, làng, dòng họ; xây dựng nếp sống nông thôn nghĩa tình, đoàn kết. Việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến tích cực theo nếp sống văn minh, tỷ lệ hỏa táng ngày một cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được triển khai tích cực, đồng bộ. Nhiều địa phương thực hiện tốt, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

An ninh nông thôn được bảo đảm. Thành ủy đã ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 15-NQ/TU về “xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”, Chỉ thị 15-CT/TU về “tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, đã củng cố 226/226 tổ chức cơ sở Đảng (đạt 100%) và giải quyết các vụ việc phức tạp góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở.

- Có một đặc thù, là Thủ đô, đô thị đặc biệt nhưng Hà Nội còn diện tích sản xuất nông nghiệp rất lớn, đồng chí có thể cho biết thành phố đã triển khai các giải pháp nào để khai thác hiệu quả đất đai và lợi thế nông nghiệp ven đô?

- Giai đoạn đầu thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân (2011-2015), Hà Nội chọn dồn điền, đổi thửa là khâu đột phá. Sang giai đoạn 2016-2020, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, cơ bản đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa, đã cấp được 617.964/622.861 giấy (đạt 99,21%). Kết quả này tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi để người nông dân yên tâm liên kết, liên doanh đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao.

Toàn thành phố đã xây dựng được 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện tại, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Mặt khác, Hà Nội có 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đây là nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó xây dựng, phát triển thương hiệu hướng tới xây dựng kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Hà Nội có vùng nông thôn rộng lớn, tươi đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến và văn hóa xứ Đoài; là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc; với rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa; có hơn 1.350 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch làng nghề... là một trong những định hướng lớn được triển khai trong nhiệm kỳ qua, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân nông thôn Hà Nội.

- Gắn với xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội cũng đã đạt được nhiều thành tựu, đồng chí có thể cho biết rõ hơn nội dung này?

- Đến nay, Hà Nội đã đánh giá, xếp hạng cho 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao. Hiện, cả nước có 1.760 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó, riêng Hà Nội chiếm 17% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước.

Không chỉ có nhiều sản phẩm được công nhận, sau khi được đánh giá, công nhận, các sản phẩm OCOP tiếp tục được thành phố Hà Nội hỗ trợ dán tem nhãn; tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn người tiêu dùng Thủ đô... Hiện nay, sản phẩm OCOP của Hà Nội với chất lượng cao, mẫu mã đẹp đã và đang có uy tín trên thị trường và trở thành động lực trong phát triển kinh tế nông thôn. Hà Nội đang tiếp tục quyết liệt thực hiện Chương trình OCOP, phấn đấu đến hết năm 2020 có 1.000 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

- Từ những thành công trong xây dựng nông thôn mới nhiệm kỳ vừa qua, xin đồng chí cho biết kinh nghiệm của Hà Nội từ thực tiễn?

- Đạt được kết quả trên trước hết là bởi sự tập trung chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, thành phố đến các địa phương, cơ sở; trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đến ý thức của cộng đồng được nâng cao, cùng chung sức, đồng lòng, chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Từ sự đồng thuận ấy, người dân đã cụ thể hóa bằng những phần việc cụ thể như: Hiến đất, góp tiền của, ngày công làm đường và các công trình phúc lợi xã hội; tôn tạo không gian văn hóa, gìn giữ vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp... Và, dẫu có khó khăn nhưng Hà Nội luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Nét mới trong thời gian vừa qua là các quận tập trung hỗ trợ các huyện xây dựng nhiều công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa... với tổng kinh phí là 808,605 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 2016-2020: 713,097 tỷ đồng, gấp 7,5 lần giai đoạn 2011-2015).

Hà Nội đã triển khai linh hoạt, sáng tạo chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế của địa phương; chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy vai trò tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch, xác định quy hoạch phải đi trước một bước gắn với quản lý quy hoạch chặt chẽ, hiệu quả; xây dựng nông thôn mới đồng bộ, bền vững, theo hướng tiệm cận đô thị, đáp ứng yêu cầu quá trình đô thị hóa nhanh tại Thủ đô.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, với tư duy công tác cán bộ có vai trò quyết định đến kết quả xây dựng nông thôn mới, thành phố đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới ở xã, thôn.

Cùng với đó, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn. Hằng quý, hằng năm, Ban Chỉ đạo đều tổ chức giao ban, chỉ đạo quyết liệt; định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, nhân rộng cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.

- Bước sang giai đoạn mới, Hà Nội định hướng tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như thế nào, thưa đồng chí?

- Định hướng trong nhiệm kỳ tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP.

Nhân rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình đã được khẳng định trên thực tế. Phấn đấu năm 2025 tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%. Đưa sản xuất chăn nuôi tập trung ra khỏi khu dân cư; phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn; hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng lực dự báo thị trường; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.

Song song với đó, xác định xây dựng nông thôn mới là chặng đường dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do vậy, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến 2025 có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Hà Nội đã lựa chọn xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng và xã Hồng Vân, huyện Thường Tín để thực hiện thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô, theo hướng phát triển toàn diện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, lấy văn hóa làm nền tảng, con người làm trung tâm, để rút kinh nghiệm nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn. Có 5 huyện là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đã được Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt Đề án phát triển thành quận trong giai đoạn 2020-2025. Đây chính là những điểm nhấn, tạo động lực đưa nông thôn mới Hà Nội vươn tới tầm cao mới.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!