Đưa Thanh Trì sớm trở thành quận văn minh, giàu đẹp
Chính trị - Ngày đăng : 17:19, 08/10/2020
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển của huyện trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Bí thư Huyện ủy Lê Tiến Nhật cho biết: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Trì quyết tâm xây dựng huyện trở thành quận văn minh, giàu đẹp.
- Giai đoạn 2020-2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một thời kỳ mới - xây dựng huyện trở thành quận vào năm 2025. Vậy trong nhiệm kỳ này, đồng chí có thể cho biết Thanh Trì sẽ phát triển kinh tế theo hướng nào?
- Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thanh Trì trong thời gian tới là phát huy tiềm năng và thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Theo đó, huyện tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Về thương mại, dịch vụ, Thanh Trì sẽ kêu gọi các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các khu phức hợp (nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, siêu thị, khu vui chơi, giải trí...), các bến bãi tập kết nhằm khai thác vị thế đầu mối giao thông của thành phố theo quy hoạch đã được phê duyệt. Cùng với đó là xây dựng, triển khai đề án chợ văn minh thương mại gắn với an toàn thực phẩm.
Đối với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Thanh Trì tiếp tục duy trì các cụm công nghiệp, làng nghề, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ, đồng thời xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tập trung theo quy hoạch, đưa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra ngoài khu dân cư. Mặt khác, huyện sẽ hỗ trợ phát triển các làng nghề gắn với du lịch, bước đầu hình thành một số điểm đến du lịch của thành phố.
Về nông nghiệp, thủy sản, Thanh Trì tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, có chất lượng cao. Huyện sẽ ưu tiên phát triển sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết; đồng thời khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với đó, Thanh Trì sẽ chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa, củng cố phát triển các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch: Vùng sản xuất rau an toàn, vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn sinh học, vùng trồng lúa chất lượng cao.
Từ việc thúc đẩy phát triển kinh tế, Thanh Trì phấn đấu thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố vào năm 2025.
- Để trở thành một quận của thành phố, một trong những mục tiêu cần đặt ra là hoàn thiện cơ sở hạ tầng với mật độ đường giao thông đô thị đạt 10km/km2, Thanh Trì sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Để sớm xây dựng huyện trở thành quận, Thanh Trì tập trung rà soát báo cáo thành phố điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với định hướng phát triển huyện thành quận đến năm 2025, trong đó tập trung quản lý phát triển theo phạm vi quy hoạch được duyệt, ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông theo quy hoạch và các tuyến đường kết nối với mục tiêu xây dựng mật độ đường giao thông đô thị 10km/km2.
Thực hiện nhiệm vụ có tính chất đột phá này, trong 5 năm tới, huyện đã lên danh mục các dự án đầu tư, với tổng nguồn vốn khoảng 2.523 tỷ đồng. Trong đó đã khởi công xây dựng đường Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh, đường chạy dọc sông Hòa Bình, đường nối Pháp Vân tới khu đấu giá Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp. Thanh Trì đã và đang tập trung xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Tây Nam Kim Giang 1, dự án xây dựng Tổ hợp Ga Ngọc Hồi... Đặc biệt, huyện tập trung xây dựng đường làng nghề Hữu Hòa, đường làng nghề Tân Triều đến khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế làng nghề.
Mặt khác, Thanh Trì sẽ rà soát các ao hồ trong khu dân cư cũng như các ô đất công phù hợp với quy hoạch để kêu gọi đầu tư xây dựng vườn hoa cây xanh, cải tạo các ao hồ làm khu vui chơi cộng đồng phục vụ nhân dân; đồng thời phấn đấu hoàn thành tiêu chí diện tích cây xanh công cộng trên địa bàn khoảng 6m2/người... Cùng với đó, Thanh Trì tập trung chỉnh trang đô thị theo hướng đồng bộ cả về giao thông, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, hạ ngầm và kiến trúc đô thị hai bên đường để hình thành các tuyến phố thương mại văn minh.
- Để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, Thanh Trì sẽ tập trung triển khai những giải pháp nào, thưa đồng chí?
- Trong giai đoạn 2020-2025, Thanh Trì sẽ thu hút và khai thác có hiệu quả các nguồn thu, cơ cấu lại các nội dung chi ngân sách để tiến tới tự bảo đảm cân đối thu chi, góp phần hoàn thiện tiêu chí phát triển thành quận. Theo đó, huyện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn (5 năm) phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế của huyện; đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách tài chính công, tập trung kiểm tra, giám sát, chống thất thoát, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách.
Mặt khác, Thanh Trì sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự văn minh đô thị; đồng thời quản lý, duy trì, giữ vững và nhân rộng các mô hình tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, Thanh Trì tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân. Huyện sẽ chủ động đề xuất thành phố và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng các trạm xử lý nước thải; đồng thời phối hợp giải quyết ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Tô Lịch đoạn đi qua địa bàn huyện. Ngoài ra, Thanh Trì sẽ tổng kết việc thực hiện Đề án “nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường”, xây dựng đề án mới phù hợp với tình hình thực tiễn để triển khai thực hiện một cách có hiệu quả.
Một điều vô cùng quan trọng là trong quá trình phát triển từ huyện trở thành quận, Thanh Trì vẫn giữ nét đẹp văn hóa nông thôn, truyền thống làng nghề để tạo “lực hấp dẫn” từ bản sắc riêng có, hướng tới một đô thị văn minh, giàu đẹp, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Thanh Trì đã xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật xã hội là khâu đột phá, huyện đã cân đối bố trí hơn 1.210 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và huy động ngân sách thành phố hơn 402 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật xã hội. Đến nay đã hoàn thành xây dựng 11 dự án đường giao thông mới với hơn 21,52km đường giao thông nông thôn. Các khu tái định cư, khu đấu giá quyền sử dụng đất của huyện được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, từng bước hình thành các khu đô thị trên địa bàn huyện. Mặt khác, Thanh Trì đã cải tạo, chỉnh trang 26 ao hồ, trồng 22.106 cây xanh; hình thành 62.260m đường hoa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, được nhân dân đồng tình ủng hộ.