Đáp ứng nhu cầu phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 09/10/2020
Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, khi các điều kiện, nguồn lực khác không thay đổi thì nhân lực có tay nghề, kỹ năng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhận thức sâu sắc điều này, nước ta luôn quan tâm, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có tay nghề, kỹ năng. Nhờ đó, nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có chuyển biến tích cực. Năm 2019, kỹ năng của lực lượng lao động nước ta tăng 8 bậc so với năm 2018, chất lượng đào tạo nghề nghiệp tăng 13 bậc.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của khu vực và trên thế giới, chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn còn thấp. Nước ta có số lao động đông đảo thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á ASEAN nhưng lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt trên 24,5%. Lao động có tay nghề, kỹ năng, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cả về số lượng và chất lượng.
Việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta.
Để nâng tầm kỹ năng của người lao động, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới và mới nhất là Quyết định số 1486/QĐ-TTg về Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam; bám sát hơn nữa nhu cầu về ngành nghề, tiêu chuẩn các kỹ năng đối với từng nghề… của thị trường lao động.
Theo đó, phát huy vai trò là đầu mối điều tiết sự gắn kết bốn bên - Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp và toàn xã hội; các cấp, các ngành tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao. Đây cũng là cách thức huy động được nhiều nguồn lực tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tham gia xây dựng, hoàn thiện nội dung, giáo trình đào tạo; cử nhân sự của mình cùng giảng dạy thực hành cho các học viên, dần hình thành mô hình nhà trường trong doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nhà trường để hai bên cùng phát triển. Đối với nhà trường, cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giảng viên, đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo theo “đơn đặt hàng”; đầu tư trang, thiết bị dạy học hiện đại; chú trọng phát triển đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế...
Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam còn cần đến sự nỗ lực của chính những người lao động. Chỉ có không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề, người lao động mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động cũng như nhu cầu phát triển của đất nước.