Ngoại trưởng Mỹ thăm Nhật Bản: Khẳng định cam kết với đồng minh chiến lược
Thế giới - Ngày đăng : 06:51, 09/10/2020
Theo kế hoạch ban đầu, ông M.Pompeo sẽ thăm Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ buộc phải hoãn chuyến đi đến hai nước châu Á còn lại sau khi Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Chuyến đi Nhật Bản của Ngoại trưởng M.Pompeo ngay sau khi xứ Hoa anh đào có chính phủ mới cho thấy tầm quan trọng của Tokyo đối với Washington.
Sự xuất hiện của Ngoại trưởng M.Pompeo không lâu sau thời điểm Thủ tướng Suga Yoshihide nhậm chức đã thể hiện sự trọng thị của Nhật Bản đối với đồng minh thân thiết. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, mục tiêu chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng M.Pompeo là nhằm thúc đẩy mối quan hệ gần gũi giữa hai nước; vì sự cởi mở, minh bạch, thịnh vượng, hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Mong muốn thắt chặt quan hệ chiến lược song phương đã thể hiện rõ nét trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng M.Pompeo với người đồng cấp nước chủ nhà Toshimitsu Motegi, với việc hai bên nhất trí tăng cường mối quan hệ đồng minh dưới thời tân Thủ tướng S.Yoshihide. Những cam kết về phối hợp chặt chẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa được tái khẳng định trong các trao đổi giữa quan chức ngoại giao hai nước.
Ngoại trưởng T.Motegi bày tỏ hy vọng Nhật Bản và Mỹ sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Lập trường này cũng được Ngoại trưởng M.Pompeo chia sẻ với khẳng định đây là nền tảng cho hòa bình và ổn định của khu vực.
Đây cũng là chủ đề quan trọng trong chuyến công du Nhật Bản của ông M.Pompeo thông qua việc tham dự hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) diễn ra tại Tokyo. Đây là hội nghị đa phương cấp cao nhất được tổ chức tại Tokyo kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Thay vì chỉ tập trung vào các lĩnh vực quân sự, hội nghị lần này chứng kiến các trao đổi về nhiều vấn đề khu vực cùng quan tâm, trong đó có an ninh biển, mạng 5G… Qua các thảo luận, đại diện các nước đều thể hiện mong muốn đóng góp duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm.
Dấu ấn đáng chú ý là, với hội nghị lần này, Washington tiếp tục nhấn mạnh sự ủng hộ đối với tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Tokyo đang theo đuổi. Trong đó, việc duy trì thượng tôn pháp luật, tự do đi lại trên biển và trên không, giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua việc phối hợp với các quốc gia khác vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thủ tướng S.Yoshihide.
Những kết quả tích cực từ chuyến thăm của Ngoại trưởng M.Pompeo cho thấy, quá trình chuyển giao quyền lực lần đầu tiên ở Nhật Bản sau gần 8 năm không dẫn đến những điều chỉnh đáng kể trong mối quan hệ đồng minh chiến lược của nước này với Mỹ. Cả hai quốc gia đều xác định hợp tác chiến lược song phương vẫn là một trọng tâm của chính sách đối ngoại. Điều này cũng hoàn toàn nằm trong chủ trương của tân Thủ tướng Nhật Bản S.Yoshihide ngay từ khi tranh cử với tuyên bố sẽ "xây dựng các chính sách đối ngoại và an ninh dựa trên cơ sở mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ".