Vượt khó để giữ đà tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 09/10/2020

(HNM) - Dịch Covid-19 gây hệ lụy cho nhiều ngành, lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã điều hành quyết liệt và linh hoạt nhằm mục tiêu vượt khó để giữ đà tăng trưởng. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương về kết quả và triển vọng kinh tế nước ta.

9 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp hơn 1% trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Trong ảnh:Sản xuất điện thoại tại Nhà máy Sản xuất thiết bị điện thông minh Vinsmart ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Viết Thành

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, bà đánh giá thế nào về tình hình kinh tế 9 tháng năm 2020? Những ngành, lĩnh vực nào đóng góp lớn cho nền kinh tế? 

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng 2,12%. Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, khẳng định tính đúng đắn trong chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn xã hội. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng cao nhất là 3,08%, đóng góp 58,4% vào mức tăng trưởng chung; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,8%, đóng góp 13,6%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28%.

Trong các ngành, lĩnh vực có đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế phải kể đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 4,6%, đóng góp hơn 1% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

- Giải ngân nguồn vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà phân tích thế nào về tình hình, kết quả hoạt động này? 

- Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, làm cho nguồn vốn từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân bị sụt giảm. Trong bối cảnh đó, việc tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đầu tư công là “vốn mồi” thu hút các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội nên có tính lan tỏa rất lớn. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công tăng 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) thêm 0,06%.

Trong 9 tháng năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước tính đạt 1.445,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng vốn đầu tư công đạt 327,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,7% vốn đầu tư toàn xã hội), tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế được hưởng lợi khi tăng vốn đầu tư công, như xây dựng, công nghiệp sản xuất sản phẩm phục vụ xây dựng… Từ đó, doanh nghiệp, người lao động có thêm thu nhập để đầu tư và tái sản xuất.

- Bà có thể đánh giá triển vọng kinh tế năm 2020? Kết quả này có vai trò như thế nào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020?

- Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, bởi có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt của kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, tôi tin kinh tế sẽ tiếp đà tăng trưởng khá hơn trong quý IV-2020 và tăng trưởng cả năm 2020 có thể đạt mức 2-3%, nhờ những yếu tố sau: Kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có hiệu lực có thể giúp Việt Nam khôi phục, gia tăng xuất khẩu vào thị trường châu Âu - vốn là thị trường truyền thống lớn của nước ta.

Đối với nông nghiệp, thời tiết năm nay thuận lợi cho hoạt động trồng trọt, nhiều loại cây ăn quả được mùa, giá gạo và thị trường tiêu thụ một số nông sản ổn định. Việc tái đàn lợn hiện nay đang thực hiện khá tốt khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đã được gần 60% kế hoạch và sẽ tăng mạnh trong quý IV-2020.

Đặc biệt, đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều tuần không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng và đang tiếp tục xem xét khả năng mở thêm các đường bay quốc tế. Từ đó tiềm năng các ngành vận tải, du lịch, khách sạn nhà hàng, vui chơi giải trí… được phát huy mạnh vào dịp cuối năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mức tăng trưởng khoảng 2-3% của năm 2020 sẽ không đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, việc kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng dương là thắng lợi lớn.

- Tổng cục Thống kê tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành như thế nào để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020, thưa bà?

- Tổng cục Thống kê đã tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương để phục vụ tính toán, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, giúp Chính phủ chỉ đạo, điều hành. Năm 2020, Tổng cục Thống kê đã chủ động xây dựng và liên tục cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP hằng quý trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Qua đó, bức tranh kinh tế toàn quốc được thấy rõ hơn, cho phép xem xét, đánh giá nền kinh tế từ Trung ương đến từng địa phương và đề ra giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Hồng Sơn