Khẩn cấp ứng phó bão số 6 và mưa lũ ở miền Trung
Công nghệ - Ngày đăng : 10:19, 11/10/2020
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, 7h ngày 11-10, bão số 6 nằm trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi. Trưa nay, bão số 6 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Chiều tối nay, bão số 6 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp.
Ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 2-4m; biển động rất mạnh. Trên đất liền các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi… xảy ra đợt mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 400-700mm... “Đáng lo ngại, trên vùng biển Philippines đang hình thành vùng thấp, kết hợp không khí lạnh có khả năng hình thành bão đi vào miền Trung trong những ngày tới…”, ông Mai Văn Khiêm thông tin thêm.
Trong khi đó, Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, mực nước 5 sông lớn tại miền Trung đang ở mức báo động lũ cấp III; 206 xã, phường thuộc 28 huyện của 5 tỉnh, thành phố miền Trung còn bị ngập lụt. Đặc biệt, trong 5 ngày xảy ra mưa lũ tại miền Trung đã làm 9 người chết, 11 người mất tích, 7 người bị thương. Ngoài ra, mưa lũ còn làm 33.387 ngôi nhà bị thiệt hại; 9.060m bờ biển, 93 điểm quốc lộ bị sạt lở; 8 tàu, thuyền bị sự cố… Bên cạnh đó, mưa lũ làm gần 2.600ha lúa, hoa màu và 881ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 258 gia súc và 58.060 gia cầm bị chết, cuốn trôi; 42 điểm trường học bị ngập lụt…
Ứng phó với bão số 6, lực lượng quân đội đã huy động hơn 200.000 cán bộ, chiến sĩ và phương tiện ứng trực, hỗ trợ các tỉnh miền Trung triển khai phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa bão. Bộ Giao thông Vận tải đã cử đoàn công tác vào các tỉnh miền Trung chỉ đạo khôi phục hệ thống giao thông, cứu hộ, cứu nạn thủy thủ, tàu thuyền còn mắc kẹt trên các vùng biển. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các công ty điện lực triển khai phương án bảo đảm an toàn điện, khôi phục hệ thống cấp điện sau khi nước rút…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, triển khai ngay phương án ứng phó với bão và hoàn lưu bão số 6; tập trung công tác cứu trợ, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; tăng cường công tác hướng dẫn người dân đi qua các khu vực ngập sâu, chảy xiết; rà soát, triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải lưu ý quản lý, bảo đảm an toàn các phương tiện giao thông đường biển, tàu thuyền neo đậu tại các cửa sông, cửa biển. Bộ Công Thương đặc biệt chú ý công tác điều hành, vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực các sông, bảo đảm an toàn công trình và tuyệt đối không để thảm họa cho vùng hạ du…
“Sau cuộc họp này, Bộ NN&PTNT khẩn trương cử các đoàn kiểm tra, rà soát hệ thống hồ thủy lợi; hướng dẫn nông dân thu hoạch, bảo vệ, khôi phục diện tích sản xuất nông nghiệp và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, tái đàn… Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tổng hợp kiến nghị của các địa phương báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án cứu trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men phòng, chống dịch bệnh cho người dân vùng thiên tai…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ.