Khẳng định uy tín, tạo dựng niềm tin

Đời sống - Ngày đăng : 08:02, 11/10/2020

(HNM) - Hiện Hà Nội không còn quận, huyện, thị xã nào thuộc diện phải dừng tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp trên đất nước bạn. Kết quả này có được là nhờ các bên liên quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khẳng định uy tín, tạo dựng niềm tin của thị trường lao động Thủ đô với các đối tác.

Người lao động chuẩn bị các thủ tục xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng.

Người lao động chấp hành nghiêm các quy định

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo ở nhiều địa phương. Vì thế, Hà Nội đã hình thành những “làng xuất khẩu lao động” như ở xã Châu Sơn (huyện Ba Vì); xã Cộng Hòa, Tân Hòa (huyện Quốc Oai); xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất)...

Ông Cấn Xuân Xạ, thôn 9, xã Hương Ngải cho biết: “Gia đình tôi có ba người con đi làm việc tại Hàn Quốc. Nguồn thu nhập từ nước ngoài do các con tôi gửi về giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định, phát triển”.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đưa gần 13.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Đa số người lao động chấp hành nghiêm các quy định của Việt Nam cũng như pháp luật nước sở tại, qua đó góp phần khẳng định uy tín của thị trường lao động Thủ đô. Tiếc rằng, vì nhiều lý do, trong thời gian ở nước ngoài, một số lao động đã bỏ công việc theo hợp đồng để đi làm việc khác hoặc tìm cách ở lại sau khi hết hạn hợp đồng, khiến nước đối tác phải “tuýt còi”.

Cụ thể, từ năm 2018 trở về trước, Hà Nội còn các huyện Đan Phượng, Quốc Oai, Thường Tín thuộc diện phải tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các quận Long Biên, Bắc Từ Liêm và các huyện Thanh Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa có nguy cơ bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc ở Hàn Quốc. Cùng thời gian này, Chính phủ Nhật Bản đưa ra cảnh báo, nếu tỷ lệ người lao động bỏ trốn vượt mức 5%, thị trường Nhật Bản sẽ ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam…

Định hướng cho người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc

Để tạo dựng niềm tin với đối tác, các địa phương đã tuyên truyền, vận động những gia đình có thành viên cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài yêu cầu người thân về nước; tổ chức cho các gia đình có con em đang làm việc ở nước ngoài ký cam kết đưa người thân về nước đúng thời hạn. 

Cùng với đó, các cơ quan chức năng của thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp người dân hiểu rõ để có sự lựa chọn phù hợp. Những hộ thiếu vốn được các địa phương tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, giúp các gia đình tránh được rủi ro do phải vay với lãi suất cao…

Trong bối cảnh các thị trường đối tác ưu tiên tuyển dụng lao động qua đào tạo, các cơ quan chức năng cũng định hướng cho người dân chủ động học ngoại ngữ, học nghề trước khi ra nước ngoài làm việc. Chị Nguyễn Thu Uyên, ở thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên), cho hay: “Để có cơ hội sang Nhật Bản làm việc vào cuối năm nay với nghề điều dưỡng, thời gian qua, tôi đã dành thời gian học tiếng Nhật và học nghề. Với kiến thức, kỹ năng đã trang bị, tôi tin bản thân sẽ đáp ứng tốt yêu cầu công việc”.

Nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, từ năm 2019 đến nay, Hà Nội không còn địa phương nào phải dừng tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để người lao động yên tâm trở về nước, các cơ quan chức năng còn phối hợp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ưu tiên tuyển dụng lao động hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về. 

Hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) tổ chức 2-3 phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành riêng cho nhóm lao động đặc thù này. 

Đặc biệt, ngày 15-10 tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức hội chợ việc làm dành cho người đi lao động tại Hàn Quốc và Nhật Bản về nước. Phiên giao dịch sẽ diễn ra đồng bộ trên hệ thống sàn giao dịch việc làm của thành phố và kết nối trực tuyến với các sàn giao dịch việc làm thuộc các tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.

“Kết quả các phiên giao dịch, hội chợ việc làm cho thấy, lực lượng lao động từ nước ngoài trở về giỏi ngoại ngữ, có ý thức, tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiện đại luôn được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng vào những vị trí quan trọng. Vì thế, người lao động nên tận dụng cơ hội này để có việc làm tốt”, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khẳng định.