Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 15:45, 11/10/2020

(HNMO) - Một trong những mục đích, yêu cầu được dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết là phải tiến hành đồng bộ, kiên trì, liên tục và quyết liệt; đồng thời kết hợp linh hoạt, hài hòa, tích cực, chủ động với những giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của thành phố.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh trình bày dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Nội dung dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội do đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trình bày tại phiên trù bị chiều nay, 11-10, nêu:

  • Mục tiêu tổng quát, định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô

Quán triệt quyết tâm chính trị được thể hiện trong chủ đề Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” với mục tiêu tổng quát, định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô: 

Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. 

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. 

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD. 

  • 20 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 

Về kinh tế: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025: 7,5-8,0%; trong đó, dịch vụ 8,0-8,5%; công nghiệp và xây dựng 8,5-9,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 2,5-3,0%. (2) Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65,0-65,5%; công nghiệp và xây dựng 22,5-23,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%. (3) GRDP bình quân/người: 8.300-8.500 USD. (4) Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng 12,5-13,5%/năm). (5) Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. (6) Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%. 

Về văn hóa - xã hội: (7) Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 75%; thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn, Làng văn hóa: 65%; Gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 86-88%. (8) Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia: 80-85%. (9) Số giường bệnh/vạn dân: 30-35; số bác sĩ/vạn dân: 15; duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. (10) Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 75-80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 55-60%. (11) Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: Dưới 3%. (12) Không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố. 

Về quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường: (13) Tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới: 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: 40%, nông thôn mới kiểu mẫu: 20%; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố. (14) Tỷ lệ đô thị hóa: 60-62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu: 100%. (15) Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch: 100%. (16) Tỷ lệ các chất thải và nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn: 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải: 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 50-55%. (17) Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng: 30-35%. 

Về xây dựng Đảng: (18) Số lượng đảng viên mới được kết nạp hằng năm: 9.000-10.000 đảng viên. (19) Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm: Trên 75%. (20) Tỷ lệ tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm: Trên 75%. 

Hà Nội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 7,5-8,0%. Ảnh minh họa
  • 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm 

(1) Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ. 

(2) Tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Sớm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các chuẩn mực của OECD. 

(3) Phát triển nhanh và bền vững. Quản trị xã hội hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc. 

(4) Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương, văn minh đô thị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo cho được chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông... 

(5) Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường tranh thủ phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương; đẩy mạnh liên kết vùng. 

Một trong ba khâu đột phá của Hà Nội là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa
  • 3 khâu đột phá 

(1) Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. 

(2) Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. 

(3) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch... Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô. 

  • Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025

1. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh. 

2. Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. 

4. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố, triển khai mạnh mẽ nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

5. Phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô. 

6. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 

7. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh. 

8. Tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. 

9. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

10. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống. 

11. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô. 

12. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. 

13. Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hoạt động của các hội quần chúng thành phố, phát huy quyền làm chủ của nhân dân Thủ đô. 

14. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Chú trọng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ảnh minh họa
  • 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu giai đoạn 2020-2025

Căn cứ Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, kế thừa 8 Chương trình công tác lớn của khóa XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xây dựng 10 Chương trình công tác lớn để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết, cụ thể như sau: 

(1) Chương trình 01: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”. 

(2) Chương trình 02: “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”. 

(3) Chương trình 03: “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”. 

(4) Chương trình 04: “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. 

(5) Chương trình 05: “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025”. 

(6) Chương trình 06: “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. 

(7) Chương trình 07: “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”. 

(8) Chương trình 08: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. 

(9) Chương trình 09: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”. 

(10) Chương trình 10: “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”. 

Ngoài 10 Chương trình nêu trên, căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể, Thành ủy chỉ đạo xây dựng các chương trình công tác, nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kế hoạch, đề án theo từng lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, cấp bách, đột phá, khâu yếu, việc khó, theo thời gian để triển khai thực hiện.

Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy, Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, các đảng bộ trực thuộc, các ban xây dựng Đảng và Văn phòng Thành ủy trong tổ chức thực hiện Chương trình hành động.

Bảo Hân