Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện tính toàn diện và khái quát cao

Chính trị - Ngày đăng : 16:30, 11/10/2020

(HNMO) - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị một cách công phu, nghiêm túc; bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung ngắn gọn, súc tích, thể hiện tính toàn diện và khái quát cao, cơ bản kết tinh được trí tuệ của Đảng, vừa kế thừa thành tựu của nhiệm kỳ trước, vừa có nhiều phát triển phù hợp với thực tiễn và đổi mới tư duy đối với các vấn đề trọng đại của đất nước trong tình hình mới.

Đây là nội dung trong Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày tại phiên trù bị Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố chiều nay, 11-10.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Viết Thành

Đánh giá khách quan, có sức thuyết phục

Theo báo cáo nêu trên, hầu hết ý kiến góp ý của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đều nhất trí chủ đề đại hội với 5 thành tố trong dự thảo Báo cáo chính trị: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Các ý kiến cho rằng, chủ đề được xác định trên cơ sở kế thừa những nội dung cơ bản của chủ đề các đại hội trước, đồng thời bổ sung nhiều thành tố mới. Nội dung chủ đề thể hiện tính bao quát, đầy đủ, sâu sắc những vấn đề cốt lõi nhất của Đảng, phù hợp với thực tiễn cách mạng theo hướng phát triển. Đây là tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong 5 năm tới, hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và là cơ sở phát huy ý chí, khát vọng, tinh thần đổi mới sáng tạo và sức mạnh nội sinh, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Đáng chú ý, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng” vào thành tố thứ nhất, cụ thể là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Cán bộ và nhân dân Thủ đô nhất trí cao với đánh giá tổng quát và đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; trong đó, việc đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII là “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng… phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật” là có sức thuyết phục và phản ánh đúng thực tế khách quan. Có ý kiến còn đề nghị nên đánh giá là “toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực”, chứ không chỉ là “khá toàn diện”.

Các ý kiến góp ý cũng cơ bản nhất trí 7 hạn chế, khuyết điểm được nêu trong Dự thảo Báo cáo; đồng thời bổ sung một số nhận định khác như: Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển kinh tế tri thức chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước. Đầu tư xây dựng còn dàn trải, chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều tiêu cực...

5 bài học kinh nghiệm trong Dự thảo Báo cáo chính trị cũng được đông đảo cán bộ và nhân dân Thủ đô tham gia góp ý đánh giá là đầy đủ, chính xác.

Thống nhất cao về 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm

Cán bộ và nhân dân Thủ đô có nhiều phân tích, đề nghị bổ sung nội dung hoặc từ ngữ để làm rõ hơn mục “Quan điểm chỉ đạo” của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng. Chẳng hạn, đối với quan điểm thứ hai, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “bảo vệ môi trường” cùng với “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm” và sửa thành “... trong đó phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm...”. Đánh giá cao và cho rằng mục tiêu tổng quát trong dự thảo là phù hợp, hầu hết các ý kiến chọn phương án 1 của mục tiêu cụ thể.

Cán bộ và nhân dân Thủ đô tham gia góp ý cơ bản đều thống nhất cao với các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn về một số chỉ tiêu; một số ý kiến đề nghị điều chỉnh tăng lên hoặc giảm đi đối với một số chỉ tiêu hoặc bổ sung chỉ tiêu mới. Cụ thể, về kinh tế, có ý kiến băn khoăn về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới và thu nhập bình quân đầu người đạt 5.000 USD/người/năm là quá cao, vì hiện nay cả nước mới đạt bình quân 3.000 USD/người/năm, trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, thiên tai ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Có ý kiến băn khoăn chỉ tiêu “tỷ lệ số xã đạt nông thôn mới khoảng 75%” là cao. Vì theo báo cáo của Trung ương, đến hết năm 2019, cả nước mới có 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có ý kiến cũng đề nghị cân nhắc chỉ tiêu “tỷ lệ lao động được đào tạo 70%” để có tính khả thi hơn.

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình và thống nhất cao với các đột phá chiến lược đã nêu trong dự thảo là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Cán bộ và người dân Thủ đô tham gia góp ý cũng thống nhất cao với 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã nêu trong dự thảo. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quan tâm khắc phục những điểm nghẽn, những cản trở của sự phát triển đất nước, đó là: Việc ban hành và thực thi chính sách pháp luật chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả, thiếu đồng bộ, chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan trung ương, bộ, ngành và địa phương...

Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng của Thành ủy Hà Nội cũng nêu các nội dung góp ý cụ thể vào các văn kiện khác của đại hội, bao gồm: Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Cán bộ và nhân dân Thủ đô tham gia góp ý cơ bản thống nhất, đánh giá cao chất lượng nội dung các văn kiện trên, đồng thời góp ý bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung, chi tiết.

Có thể nói, ngay sau khi có chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy Hà Nội (khóa XVI) đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, nghiêm túc, bằng nhiều hình thức vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng của Thành ủy Hà Nội được xây dựng trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của 2.310 tổ chức cơ sở Đảng, 50 tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên, và ý kiến của nhân dân qua các cơ quan báo chí Hà Nội. Tất cả cho thấy tinh thần gương mẫu, ý thức trách nhiệm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô với công việc chung của đất nước.

Võ Lâm