Thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorno - Karabakh: Hạ nhiệt căng thẳng Azerbaijan - Armenia

Thế giới - Ngày đăng : 07:04, 12/10/2020

(HNM) - Cuối tuần qua, với vai trò trung gian của Nga, hai nước Azerbaijan và Armenia đã đạt được thỏa thuận về việc ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh. Cuộc đàm phán được xem là cơ hội để hai bên hạ nhiệt căng thẳng sau gần 2 tuần giao tranh dữ dội, và tìm hướng giải quyết lâu dài hơn cho tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài hàng thập kỷ.

Các Ngoại trưởng Azerbaijan, Armenia và Nga trong cuộc hội đàm tại Mátxcơva (Nga).

Sau 10 giờ đàm phán tại thủ đô Mátxcơva (Nga) giữa Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov, dưới sự chủ trì của người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, hai nước đã nhất trí ngừng bắn tại khu vực Nagorno - Karabakh bắt đầu từ 12h ngày 10-10 (giờ địa phương).

Truyền thông Nga trích tuyên bố sau cuộc họp cho biết, hai bên đã đạt được một lệnh ngừng bắn vì mục đích nhân đạo để trao đổi tù binh chiến tranh và những người bị giam giữ khác, cùng thi thể của những người đã thiệt mạng.

Bên cạnh đó, 3 điều khoản khác cũng đã được thông báo chính thức. Thứ nhất, các chi tiết của lệnh ngừng bắn ở Nagorno - Karabakh sẽ được thỏa thuận riêng. Thứ hai, Azerbaijan và Armenia, với sự hòa giải của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán thực chất về xung đột với mục đích đạt được một giải pháp hòa bình càng sớm càng tốt, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của hòa giải. Điều này mở ra khả năng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình. Thứ ba, tuyên bố cũng cho biết các bên cam kết giữ nguyên hình thức các cuộc đàm phán về Nagorno - Karabakh. Trong gần 3 thập kỷ qua, hình thức hội đàm được công nhận là do Nhóm Minsk với Nga, Mỹ và Pháp là đồng chủ tịch.

Thỏa thuận đạt được tại Mátxcơva là kết quả của cuộc đối thoại ngoại giao cấp cao đầu tiên giữa Azerbaijan và Armenia sau gần 2 tuần giao tranh dữ dội tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh. Đây là một tỉnh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam Azerbaijan, song dân cư chủ yếu là người gốc Armenia và luôn tìm cách sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno - Karabakh hiện do lực lượng thân Armenia kiểm soát.

Xung đột tại Nagorno - Karabakh leo thang vào ngày 27-9 khi cả Baku và Yerevan đều cáo buộc lẫn nhau châm ngòi cho các hành động thù địch quân sự. Đây là một trong những xung đột nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, khiến khoảng 400 binh sĩ và dân thường hai phía thiệt mạng. Cộng đồng quốc tế lo ngại căng thẳng leo thang thậm chí có thể khiến tình trạng bất ổn lan ra khắp khu vực vốn là hành lang cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt đến thị trường thế giới.

Khi xung đột bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng ủng hộ Azerbaijan, trong khi Nga, Pháp, Liên hợp quốc và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời thúc giục các bên quay trở lại bàn đàm phán do OSCE làm trung gian. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các nước Azerbaijan và Armenia thực hiện ngay lập tức những bước đi nhằm thiết lập ngừng bắn tại khu vực tranh chấp. Trong cuộc họp khẩn hồi cuối tháng 9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký A.Guterres, yêu cầu các bên phải ngừng bắn ngay lập tức.

Trước thỏa thuận vừa đạt được, Chủ tịch OSCE, Thủ tướng Albania Edi Rama đã nhấn mạnh ý nghĩa của một lệnh ngừng bắn nhân đạo và hoan nghênh vai trò trung gian của Nga. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev vẫn khẳng định, các bên giao tranh hiện đang nỗ lực tìm sự hòa giải về chính trị. Mặc dù vậy, không lâu sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn, vẫn có những cáo buộc từ hai bên về các hành động tấn công vào các vị trí của nhau, làm dấy lên lo ngại về ý nghĩa và hiệu quả thực thi của thỏa thuận. Do đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay là hai bên cần bảo vệ thành quả quan trọng đầu tiên này và hướng tới một giải pháp lâu dài hơn cho khu vực.

Minh Hiếu