Bộ Thông tin và Truyền thông phát động thi đua yêu nước với 8 mục tiêu
Đời sống - Ngày đăng : 17:38, 12/10/2020
Kết quả trong giai đoạn 2015-2020, toàn ngành có 3 Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 143 Huân chương Lao động các hạng; 118 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 1.114 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông; 243 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 980 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Thông tin và Truyền thông; 5.652 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng.
Cũng tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã phát động phong trào thi đua yêu nước của Bộ giai đoạn 2020-2025 hướng tới 8 mục tiêu, cụ thể như chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số, triển khai 5G, mỗi người một điện thoại thông minh; đưa Việt Nam trở thành cường quốc an ninh mạng, với trọng tâm làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng; chuyển đổi chính phủ điện tử thành chính phủ số, đưa mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, sáng tạo nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân; chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm, chương trình Make in Vietnam với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT (internet kết nối vạn vật); phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đạt 100.000 doanh nghiệp; báo chí truyền thông phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo sự đồng thuận xã hội; dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia...
Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những kết quả tích cực đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước của Ngành Thông tin và Truyền thông trong 5 năm qua. Để phong trào thực sự trở thành động lực góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của toàn ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị toàn ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đưa kinh tế số chiếm 20% GDP của cả nước vào năm 2025. Vì vậy, toàn ngành phải nhận trách nhiệm tham mưu định hướng chiến lược cho đất nước trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; hoạch định chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn nhân lực và nguồn tài chính để bảo đảm hạ tầng thông tin tiên tiến nhất đáp ứng mọi nhu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hai là, tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đồng thời, tập trung phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số tại địa phương.
Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí truyền thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng; đặc biệt tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026. Hoàn thành việc triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các bộ, ngành và địa phương.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, sắp xếp tổ chức; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành...
Năm là, nâng cao vai trò các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua cần xác định rõ mục tiêu, chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện. Các hình thức thi đua phải sáng tạo, phong phú, hấp dẫn, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao...