Hà Nội cải thiện sức cạnh tranh để thu hút đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 12/10/2020

(HNM) - Hà Nội đã và đang tập trung cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, qua đó nâng cao sức cạnh tranh để hấp dẫn đầu tư. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt, thu hút sự vào cuộc của các cấp, ngành của Thủ đô trong thời gian qua.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH INOAC Việt Nam tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam

Những kết quả nổi bật

Theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, trong 9 tháng năm 2020, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 19,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 260,8 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ suy giảm nhẹ, thậm chí còn là kết quả rất đáng ghi nhận vì dịch Covid-19 để lại hậu quả rất lớn. “Thực tế này cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế cũng như khả năng huy động vốn, khởi nghiệp trên địa bàn được duy trì khá tốt - kết quả của quá trình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua”, ông Đậu Ngọc Hùng nhận xét.

Cũng trong 9 tháng năm 2020, thành phố đã thu hút thêm gần 3,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục đứng trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn này. Tính cả giai đoạn 2016-2020, Hà Nội thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015.

Đến nay, Hà Nội vẫn tập trung phát huy những kết quả cải cách thủ tục hành chính đã đạt được, bảo đảm tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, hải quan điện tử đạt 100%...; các thủ tục hành chính khác được giải quyết đúng hạn. Đặc biệt, Hà Nội đã thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, 9 tháng năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả thấp trong vòng nhiều năm qua, nhưng chấp nhận được trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các mặt kinh tế - xã hội.

Nhận xét về thực tế trên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hà Nội vẫn giữ được phong độ trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua. Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC Nguyễn Minh Châu xác nhận, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính.

Người dân đến đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Lê Văn Quân, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã tư vấn miễn phí về đăng ký kinh doanh cho hơn 51.000 lượt doanh nghiệp, hỗ trợ nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng miễn phí cho 1.150 lượt doanh nghiệp... Bên cạnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo cũng như cung cấp thông tin về các hiệp định thương mại tự do, trung tâm còn tổ chức 28 khóa đào tạo cho 3.720 học viên về quản trị doanh nghiệp. 

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, nhằm nâng cao chất lượng tư vấn, Sở sẽ đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, tiến hành khảo sát nhu cầu tư vấn của doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở sẽ tổng hợp các thông tin phản ánh về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, báo cáo thành phố phương án hỗ trợ. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang biên soạn Sách trắng về doanh nghiệp Hà Nội, nhằm đưa ra đánh giá tổng thể và làm cơ sở để định hướng chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.

Được biết, thời gian tới thành phố Hà Nội tiếp tục kiên trì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đó là, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án; tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, mở rộng và tăng cường chất lượng dịch vụ hành chính công... Hà Nội quyết tâm trụ vững trong nhóm 10 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất. Hà Nội cũng tập trung làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh luôn là mục tiêu xuyên suốt mà các cấp, ngành thành phố Hà Nội hướng đến nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Hồng Sơn