Phanh tự động khẩn cấp sau va chạm - Khắc tinh của “xe điên”?

Xe++ - Ngày đăng : 17:12, 14/10/2020

(HNMO) - Vào lúc này, công nghệ phanh tự động khẩn cấp không còn là “món mới” và đã xuất hiện trên nhiều dòng xe từ phổ thông như Toyota, Volkswagen… cho tới cao cấp như BMW hay Mercedes-Benz, nhưng mới chỉ kích hoạt phanh trước khi va chạm xảy ra với mục đích ngăn chặn rủi ro.

Nhiều vụ việc diễn biến xấu, đặc biệt là nạn “xe điên”, do tài xế mất kiểm soát ô tô sau lần va chạm đầu tiên.

Khi tính năng phanh hậu va chạm lần đầu được Ford nêu ra, nhiều người cho đây là ý tưởng khá kỳ lạ. Tuy nhiên, hãng xe Mỹ cho rằng, một thực tế là nhiều vụ tai nạn liên hoàn đã diễn biến xấu do người cầm lái sau va chạm lần đầu tiên đã mất kiểm soát chiếc xe (có thể do bị hoảng hốt, bị sốc hoặc bị thương). Khi đó, tình huống kẹt chân ga hay xe lao sang làn đường đối diện… đều tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nối tiếp vô cùng nguy hiểm, trong đó đặc biệt đáng ngại là hiện tượng “xe điên”.

Để ngăn chặn rủi ro nói trên, tính năng phanh tự động khẩn cấp được thiết kế để “vào việc” khi tất cả các giải pháp an toàn chủ động tiền va chạm đều thất bại trong nỗ lực ngăn chặn tai nạn xảy ra.

Về lý thuyết, hệ thống sẽ kích hoạt phanh khi nhận thấy đã có va chạm đã xảy ra (nhờ các cảm biến gia tốc), qua đó giúp xe hãm tốc độ ở mức nhất định, tránh tiếp tục va chạm với phương tiện khác, cũng như không bị lật và tránh gây thương tích cho hành khách trong xe hay người đi bộ bên ngoài.

Nhiều vụ va chạm trở nên nghiêm trọng hơn vì tài xế mất kiểm soát xe sau va chạm lần thứ nhất.

Với tác dụng như trên, có thể thấy công nghệ phanh tự động khẩn cấp sau va chạm là thứ nên được bổ sung vào các gói giải pháp an toàn chủ động của ô tô, để tăng cường an toàn và giảm thiểu rủi ro.

Công nghệ này vận hành song song với những tính năng sẵn có như phanh tự động tiền va chạm hay hỗ trợ điều khiển vô lăng né vật cản (sử dụng radar và máy quay để nhận biết tình huống, rồi tăng tốc độ xoay của vô lăng nhằm né va chạm xảy ra)… sẽ cải thiện đáng kể tính an toàn của những chiếc xe. Cùng với việc hãm phanh có tính toán, một số tính năng an toàn sau va chạm khác cũng có thể được kích hoạt theo, ví dụ như cắt đường dẫn nhiên liệu để chống cháy nổ.

Đáng tiếc, hiện tại chưa có loại ô tô nào ở Việt Nam được các nhà sản xuất trang bị tính năng phanh tự động khẩn cấp sau va chạm. Bản thân Ford cũng mới bắt đầu triển khai trên một số dòng sản phẩm của hãng như Edge, Explorer hay Transit, Mustang E đều là các phiên bản ở nước ngoài, như một phần trong giải pháp an toàn Co-Pilot360 2.0.

Hoàng Linh