Xây dựng Quảng Trị thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước
Chính trị - Ngày đăng : 20:08, 15/10/2020
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và trực tiếp chỉ đạo đại hội.
Khai mạc đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị.
Khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh là quê hương có bước phát triển đột phá mạnh mẽ hơn về kinh tế, xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong nhiệm kỳ này là phải phát huy truyền thống hào hùng của quê hương, khát vọng phát triển, tranh thủ mọi thời cơ, cơ hội mới, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém, luôn nêu cao quyết tâm chính trị, đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động; tất cả mọi hoạt động phải vì sự ổn định và phát triển của quê hương Quảng Trị, để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI nêu rõ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực.
Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội có hiệu quả. Nhiều dự án trọng điểm đã được khởi động. Văn hóa, xã hội đạt được nhiều tiến bộ. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần thu hút nguồn lực cho phát triển. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt...
Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, tính đến năm 2030, đại hội đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu, 13 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, hiệu quả và liêm chính, phục vụ nhân dân.
Tỉnh phát huy ý chí, khát vọng vươn lên và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Chỉ đạo tại đại hội, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, để xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh thuộc nhóm có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và nằm trong nhóm 30 tỉnh đầu của cả nước vào năm 2030, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường, hành động quyết liệt, sáng tạo của nhân dân Quảng Trị trong những năm tháng kháng chiến. Quảng Trị huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Muốn vậy, tỉnh cần tập trung xây dựng hoàn thành quy hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; hoàn thành quy hoạch phát triển đô thị, ưu tiên phát triển thành phố Đông Hà mở rộng không gian kinh tế theo hướng biển, đưa Đông Hà trở thành khu đô thị trung tâm có tính lan tỏa kết nối với các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực, khuyến khích đầu tư phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện khí, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp may mặc, cảng biển và chú ý đảm bảo môi trường. Bên cạnh đó, Quảng Trị cần phát triển toàn diện nông, lâm, thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tỉnh đầu tư phát triển thương mại du lịch, dịch vụ, chú ý bảo vệ các giá trị truyền thống, di tích lịch sử cách mạng, công trình văn hóa tâm linh gắn với phát triển du lịch. Tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển và thực hiện tốt Đề án Festival vì hòa bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo sản phẩm đặc sắc riêng có của Quảng Trị.
Đồng thời, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đặc biệt đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Tỉnh cần lưu ý đến vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Quảng Trị về quốc phòng và an ninh; tập trung chỉ đạo xây dựng chiến lược phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Về xây dựng Đảng, tỉnh cần nâng cao chất lượng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quan tâm giữ gìn và tăng cường đoàn kết nội bộ, trước hết trong nội bộ cán bộ chủ chốt, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Các cấp ủy, địa phương kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không có vòng cấm, không có ngoại lệ, từ đó đó tạo động thuận cao hơn trong nhân dân, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ ý chí, khát vọng phát triển tỉnh Quảng Trị.
Đồng thời, tỉnh cần tập trung thực hiện tốt sắp xếp bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ phát triển.