Giữ vững vị trí điểm sáng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 16/10/2020
Thành quả này có được là nhờ sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai đồng loạt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa cơ hội để xuất khẩu hàng hóa khi Việt Nam ký kết và thực thi 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều khu vực, quốc gia, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với nhiều điều khoản ưu đãi về thuế.
Rõ ràng các FTA, trong đó có EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội nói riêng. Với Hà Nội - nơi mệnh danh là "vùng đất trăm nghề", nhiều doanh nghiệp đã và đang tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu của đối tác ở châu Âu... Tuy nhiên trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; thị trường EU có yêu cầu cao về hàng rào kỹ thuật, để hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, nhất là các doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ giải pháp.
Trước mắt, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tiềm năng xuất khẩu, cùng với hỗ trợ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phổ biến, hướng dẫn những quy định liên quan đến các FTA, nhất là EVFTA. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhằm tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết.
Song song đó là đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư tại các nước, khu vực đã ký FTA với Việt Nam thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Mặt khác, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường.
EVFTA được nhận định tiếp tục là động lực cho xuất khẩu vào những tháng cuối năm 2020. Do vậy, để hướng tới mục tiêu xuất khẩu cán mốc 300 tỷ USD của năm 2020, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất. Trong đó, cần đặc biệt đề cao việc nâng cao chất lượng hàng hóa; rà soát, tổ chức lại các khâu sản xuất để đáp ứng với hệ thống quy định về an toàn thực phẩm, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc…
Ngoài ra, để tận dụng tốt cơ hội bứt phá, tạo đà tăng trưởng xuất khẩu cuối năm 2020, mỗi doanh nghiệp nên chủ động lên kế hoạch hành động, tích cực tìm kiếm thị trường, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh. Kiểm soát dịch Covid-19 được xem là giải pháp giữ ổn định cho nền sản xuất, bảo đảm duy trì hoạt động xuất khẩu. Do đó, mỗi doanh nghiệp phải thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tận dụng tốt cơ hội, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chắc chắn hoạt động xuất khẩu sẽ giữ vững vị trí là điểm sáng của nền kinh tế nước ta.