Thành phố Hồ Chí Minh: Sớm giải bài toán ngập nước
Công nghệ - Ngày đăng : 07:24, 16/10/2020
Tình trạng ngập nước xảy ra ở nhiều nơi
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, sau những cơn mưa xảy ra trong tháng 9 và đầu tháng 10-2020, tình trạng ngập nước vẫn tồn tại ở một số tuyến đường, khu vực dân cư, như: Đường Bình Chiểu, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức); Nguyễn Thị Thử, Trần Thị Bốc (huyện Hóc Môn). Thậm chí, tình trạng này còn xảy ra ở một số tuyến đường vốn có địa hình cao như Phan Huy Ích, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp)… “Gần đây, tuyến đường Lê Đức Thọ thường xuyên ngập sâu mỗi khi mưa lớn, ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân”, chị Lã Thanh Hoa kinh doanh vật liệu xây dựng trên tuyến đường này chia sẻ.
Nói về nguyên nhân gây ngập, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (Sở Xây dựng) Vũ Văn Điệp cho biết, các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt trước đây không còn phù hợp với thực tế, trong khi công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án, công trình chống ngập gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, hạ tầng thoát nước chưa phát triển kịp; tình trạng xây dựng lấn chiếm hệ thống kênh mương diễn ra nhiều. Ngoài ra, việc người dân xả rác làm tắc nghẽn cống thoát nước, kênh, rạch vẫn chưa được xử lý.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), nhìn chung, công tác xóa, giảm điểm ngập nước chủ yếu tập trung trong phạm vi các quận nội thành cũ, chưa mang tính đồng bộ trên phạm vi toàn thành phố, do đó khó tránh khỏi tình trạng ngập cục bộ.
Triển khai nhiều giải pháp
Theo thông tin từ UBND Hồ Chí Minh, giai đoạn năm 2016-2020, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết tình trạng ngập do mưa. Đối với các tuyến đường trục chính, thành phố đã giải quyết được 25/36 tuyến, đạt 69,44% so với chỉ tiêu. Đối với các tuyến hẻm do UBND quận, huyện quản lý cũng đã giải quyết được 179/179 tuyến bị ngập. Ngoài ra, thành phố đã hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước các tuyến đường chính. Từ kết quả này,
ông Nguyễn Văn Ngân, ở đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây (quận 2) đề nghị, các cấp, ngành của thành phố tiếp tục cải tạo đồng bộ hệ thống thoát nước để người dân sớm thoát cảnh ngập lụt.
Theo kế hoạch của UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tập trung giải quyết ngập theo hướng bền vững tại khu vực trung tâm và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, với khu vực phía Đông, thành phố sẽ xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống thoát nước tại những địa bàn chưa có hệ thống thoát nước. Tại khu vực phía Nam, thành phố thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm, kết hợp chỉnh trang đô thị.
Cụ thể, thành phố tập trung đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật (quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp); triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước khu vực Tây Sài Gòn, Tham Lương - Bến Cát và cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3). Cũng từ năm 2021, hệ thống các cống ngăn triều thuộc Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), với vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, sẽ đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng ngập úng ở một số khu vực mỗi khi thủy triều lên trên báo động 3 tại 9/9 tuyến đường trục chính trong thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, giai đoạn năm 2021-2025, thành phố sẽ triển khai thực hiện các nhóm giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố, gồm: Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp, dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước nhằm nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước...