Cơ hội để xuất khẩu bứt phá

Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 16/10/2020

(HNM) - Việc tận dụng tối đa các cơ hội, đạt nhịp tăng trưởng cao là tiền đề quan trọng để hoạt động xuất khẩu bứt phá, hướng tới mục tiêu đạt 300 tỷ USD của năm 2020. Trong lúc này, các bộ, ngành, địa phương và mỗi doanh nghiệp đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó yếu tố cốt lõi là nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong ảnh: Sơ chế tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú (tỉnh Cà Mau). Ảnh: Trần Việt

Những con số ấn tượng

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. Có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019, có 26 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn 1 tỷ USD); trong đó, 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD được coi là con số ấn tượng nhất của hoạt động xuất nhập khẩu. Một điểm nhấn nữa là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, vượt các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt hơn 7 tỷ USD.

Thực tế cho thấy, hoạt động xuất khẩu trong tháng 8 và tháng 9-2020 đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan, trong đó phải kể đến kim ngạch xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Dù dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng sau 2 tháng EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 27 nước EU. Trong đó, đáng chú ý là số lượng đơn hàng xuất khẩu thủy sản 2 tháng 8 và 9-2020 tăng 10% so với tháng 7 trước đó.

Cho rằng hoạt động xuất khẩu đang có nhiều khởi sắc, trở thành điểm sáng của nền kinh tế dù dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định, cùng với chống dịch hiệu quả và tập trung tối đa phát triển kinh tế, việc Việt Nam ký kết và thực thi 13 hiệp định thương mại tự do với nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới đã tạo xung lực để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng. Cả thị trường và mặt hàng xuất khẩu được đa dạng hóa, đặc biệt các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử… Đơn cử như việc thâm nhập thành công thị trường EU đầy tiềm năng với gần 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 16 nghìn tỷ USD, đồng nghĩa với cơ hội mở rộng hợp tác giao thương cùng lúc 27 quốc gia thành viên, góp phần đa dạng hóa thị trường, tăng giá trị xuất khẩu. 

Công nhân kiểm tra sản phẩm gạch ốp lát xuất khẩu tại dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn. Ảnh: Trần Việt

Tạo đà tăng trưởng xuất khẩu cuối năm

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bối cảnh hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia trên thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm do dịch Covid-19 chính là cơ hội để hàng hóa Việt Nam vươn ra chiếm lĩnh thị trường với sức cạnh tranh cao do thực thi các điều khoản ưu đãi về thuế.

Tự tin với những triển vọng phát triển xuất khẩu, Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn (quận Long Biên, thành phố Hà Nội) đang triển khai nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 20% lượng hàng sản xuất. Theo Giám đốc xuất khẩu Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn Trần Thị Hoài Tú, hiện sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại các nước ASEAN, Đông Á, sắp tới sẽ phấn đấu xuất khẩu sang Mỹ. Còn Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thiên Phúc (huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) Nguyễn Thị Hương cho biết, những tín hiệu tích cực về tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là chất xúc tác để công ty triển khai nhiều giải pháp tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa nhằm sớm xuất khẩu tới châu Âu, châu Mỹ. 

Nhận định triển vọng xuất khẩu từ nay tới cuối năm 2020, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ hội xuất khẩu còn mở ra trong quý IV này, khi nhu cầu nhập khẩu, tiêu dùng và sức mua tăng hơn các quý trước, đồng thời dịch bệnh dần được kiểm soát tại nhiều nước. Do đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để tận dụng thời cơ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhằm nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm 2020, Bộ triển khai xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Bộ sẽ rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam. Cùng với đó, các bộ, ngành cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu và tiếp cận thị trường, kết nối bạn hàng. Mới đây, Bộ Công Thương đã triển khai 24 thủ tục hành chính cấp độ 3 đồng thời áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để hỗ trợ tối đa doanh nghiệp xuất khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa để củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm; chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm; đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý; minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất; đặc biệt bảo đảm quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có tầm nhìn lâu dài và xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. “Đồng thời, các doanh nghiệp chú trọng tìm hiểu thị hiếu, đặc trưng thị trường, gia tăng sản phẩm trên các thị trường có lợi thế cạnh tranh; lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm, quy mô của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Cẩm Trang lưu ý.

Thư Hà