Để giảm nghèo bền vững

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 17/10/2020

(HNM) - Hôm nay, 17-10, “Ngày cả nước vì người nghèo”, mở đầu cho tháng cao điểm “Vì người nghèo” (từ ngày 17-10 đến 18-11). Vào dịp này, cả nước có nhiều hoạt động thiết thực, khơi dậy truyền thống "tương thân, tương ái" của dân tộc để tạo nguồn lực giúp đỡ, chăm lo cho người nghèo, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nhìn lại hoạt động “Vì người nghèo” thời gian qua cho thấy, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành, sự chung tay của toàn xã hội, công tác giảm nghèo ở nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Ước tính năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước chỉ còn 2,75% (giảm 1% so với cuối năm 2019). Hàng nghìn hộ nghèo được giúp đỡ đã vượt qua khó khăn, vươn lên có mức sống trung bình và khá trong xã hội.

Cùng với cả nước, thực hiện mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau", Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, chính sách, chăm sóc, hỗ trợ người nghèo một cách nhân văn, chu đáo và hiệu quả. Nhờ vậy, hiện nay, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều và không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Mặc dù công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc triển khai các chính sách giảm nghèo còn bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, kết quả giảm nghèo tại một số địa phương chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; mức chuẩn nghèo không còn phù hợp với tình hình hiện nay... Đáng nói, vẫn còn một số ít người nghèo trông chờ, ỷ lại vào chính sách, chưa có tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo.

Để làm tốt hơn công tác chăm lo cho người nghèo, trước mắt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh thêm công tác tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của tháng cao điểm “Vì người nghèo” trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Với tinh thần ấy, mỗi người dân, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần phát huy truyền thống "tương thân, tương ái" thường xuyên có những việc làm phù hợp để chung tay giúp đỡ người nghèo.

Về lâu dài, để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững, các ngành chức năng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp với các chính sách an sinh xã hội khác bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ thực hiện. Đặc biệt, cần sớm tham mưu với Chính phủ ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 phù hợp, làm căn cứ để xây dựng chính sách hỗ trợ người nghèo đúng, trúng, đạt hiệu quả cao.

Đối với các địa phương, cần tiếp tục triển khai tốt các chương trình, dự án, chính sách về giảm nghèo; thực hiện linh hoạt giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, thay vì tặng “con cá” phải trao “cần câu” thông qua trang bị kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ các điều kiện để người nghèo tự tin vươn lên thoát nghèo. Kinh nghiệm giảm nghèo ở Hà Nội cho thấy, nhiều hộ nghèo khi được quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm, vay vốn ưu đãi... đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng với sự giúp đỡ của xã hội, chính bản thân các hộ nghèo cũng rất cần có ý chí, quyết tâm nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng năng lực của mình như chủ động tìm nghề để học rồi tìm việc làm, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh... Đặc biệt là phải tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Có sự chủ động từ chính các hộ nghèo, sự tích cực góp sức từ phía Nhà nước và xã hội, chắc chắn sẽ giúp các hộ nghèo dần nâng cao được mức sống, giảm nghèo bền vững, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững chung của cả nước.

Quỳnh Anh