Xây dựng bếp ăn bệnh viện bảo đảm an toàn

Xã hội - Ngày đăng : 06:28, 17/10/2020

(HNM) - Xác định dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh, do đó thời gian qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã đầu tư, nâng cấp hệ thống bếp ăn, khu vực nhà ăn đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, từ đó xây dựng các bếp ăn bảo đảm chất lượng, an toàn.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xét nghiệm nhanh mẫu bát đĩa tại nhà ăn của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông. Ảnh: Trang Thu

Chất lượng, an toàn được đặt lên hàng đầu

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cung cấp khoảng 1.000 suất ăn cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân. Cùng với việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, bệnh viện đã đầu tư xây dựng hệ thống bếp ăn hiện đại, đáp ứng đầy đủ tiêu chí an toàn thực phẩm.

Bác sĩ Trần Châu Quyên, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội) cho biết, khu vực bếp ăn bệnh viện bảo đảm tiêu chí khép kín một chiều, phân khu sơ chế, khu nấu, khu chia suất ăn riêng biệt. Đặc biệt, nguồn thực phẩm đầu vào luôn bảo đảm rõ nguồn gốc xuất xứ. Bệnh viện ký cam kết với các đơn vị cung cấp các loại thực phẩm có uy tín. Ngoài ra, nhân viên được kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi tham gia chế biến thực phẩm phải có đầy đủ trang phục bảo hộ, như: Găng tay, khẩu trang, mũ, tạp dề… Không chỉ phục vụ các suất cơm, cháo, bún, phở, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế của bệnh viện còn xây dựng thêm các khẩu phần ăn đặc biệt, đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng dành cho bệnh nhân sau mổ, khó nhai nuốt…

Từ tháng 6-2018 cho đến nay, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã đưa vào sử dụng hệ thống nhà ăn bệnh viện khang trang, sạch đẹp. Chị Nguyễn Bích T. (28 tuổi, ở huyện Đông Anh) đi khám tuyến giáp tại bệnh viện cho biết: “Ăn ở bếp ăn của bệnh viện rất tiện lợi, ngon miệng, giúp tôi không chỉ no bụng mà còn được nghỉ ngơi, giảm áp lực khi đi khám bệnh”.

Tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, trung bình mỗi ngày, nhà bếp bệnh viện phục vụ khoảng 500 suất ăn. Nhà bếp được thiết kế phân từng khu riêng biệt, đáp ứng đầy đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gồm: Phòng lạnh bảo quản thực phẩm, khu chế biến, khu nấu, khu rửa bát, khu chia đồ ăn chín... Các dụng cụ nấu nướng, khay đựng thức ăn, bát đũa được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng bằng máy sấy sát trùng bát đĩa chuyên dụng. Đồng thời, tất cả nhân viên được trang bị đồng phục, găng tay, tạp dề sạch sẽ; được tập huấn kiến thức vệ sinh, an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ.

Ông Nguyễn Công Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho biết: "Không chỉ quan tâm đến an toàn thực phẩm, chúng tôi còn xác định rõ mỗi bữa ăn góp phần quan trọng vào quá trình điều trị của người bệnh. Do đó, nhà bếp của bệnh viện thường xuyên lấy ý kiến của người ăn bằng phiếu đánh giá bữa ăn tại chỗ. Qua đó, rút kinh nghiệm, điều chỉnh cách chế biến, bổ sung thực đơn, hướng tới làm hài lòng người bệnh".

Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 50 bệnh viện có bếp ăn tập thể. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, qua kiểm tra cho thấy, các bếp ăn bệnh viện đa phần đều tuân thủ tốt các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, bếp ăn của các bệnh viện chịu sự giám sát của khoa dinh dưỡng nên công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như chất lượng dinh dưỡng bữa ăn được thực hiện tốt hơn các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp hay trường học. 

Tuy nhiên, có những bệnh viện do diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp nên bếp ăn chưa đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Riêng năm 2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã kiểm tra 17 bếp ăn bệnh viện và xử phạt hành chính hơn 70 triệu đồng đối với các vi phạm như: Chưa tuân thủ chế độ kiểm thực 3 bước, chưa lưu mẫu thức ăn; điều kiện vệ sinh khu chế biến chưa bảo đảm, nhiều bếp ăn chật hẹp, sắp xếp lộn xộn, không bảo đảm quy định khép kín một chiều; chưa trang bị lưới chống côn trùng theo quy định…

Để bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm tại bếp ăn bệnh viện, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng: Bếp ăn bệnh viện ngoài việc phục vụ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân còn có đặc thù riêng là cung cấp bữa ăn dinh dưỡng, giúp mang lại hiệu quả tối ưu trong quá trình điều trị của người bệnh. Do đó, khoa dinh dưỡng của mỗi bệnh viện cần tăng cường giám sát hoạt động của bếp ăn. Việc này phải triển khai cụ thể, từ khâu nhập thực phẩm đến sơ chế, chế biến, chia khẩu phần ăn, vận chuyển đến các khoa, phòng hay cung cấp tại chỗ đều phải theo quy trình kiểm thực 3 bước theo quy định.

Ngoài ra, thực đơn bữa ăn hằng ngày phải phong phú, đa dạng, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng phục vụ tốt cho sức khỏe người bệnh. Hằng ngày, bên cạnh việc giám sát, nhân viên của khoa dinh dưỡng phải lưu mẫu thực phẩm đầu vào, thực phẩm sau chế biến để phục vụ việc xét nghiệm nếu có sự cố xảy ra. Thời gian tới, cơ quan chức năng của thành phố sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn bệnh viện, trong đó chú trọng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm.

Xuân Lộc