Để trẻ em có cuộc sống tốt hơn
Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 17/10/2020
Cộng đồng trách nhiệm
Lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cháu Phùng Minh Ánh (sinh năm 2006, ở thôn Thọ An, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) vẫn được học hành như bạn bè. Nhiều năm liền, Minh Ánh đạt học sinh giỏi, giành giải thưởng cao trong các kỳ thi. Gia đình Minh Ánh thuộc hộ cận nghèo. Bố cháu không may bị tai nạn giao thông, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào nguồn thu nhập ít ỏi từ công việc mua, bán đồng nát của mẹ.
“Nếu thiếu sự quan tâm thường xuyên của các cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm, không biết cuộc sống của gia đình cháu sẽ thế nào, bản thân cháu có được đi học hay không. Mới đây, cháu tiếp tục được Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội và các nhà hảo tâm tặng quà, hỗ trợ kinh phí học tập trị giá 3.350.000 đồng”, Minh Ánh xúc động nói.
Một số trường hợp khác vừa được Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội và các nhà hảo tâm tiếp sức để đến trường là cháu Đỗ Thị Mỹ Linh (sinh năm 2010), thuộc diện hộ nghèo ở xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng); cháu Nguyễn Thị Thảo Vy (sinh năm 2007), thuộc hộ cận nghèo ở xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức)...
Ngoài những trường hợp nêu trên, trong những năm vừa qua, các cơ quan chức năng thường xuyên trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ kịp thời những trường hợp có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Điều này phần nào cho thấy, chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được Hà Nội triển khai linh hoạt, hiệu quả, đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Để nâng cao hiệu quả trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ngày 24-9-2019, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND về triển khai “Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2019-2025”. Theo đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ về các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đồng thời đánh giá thực trạng, tham vấn nhu cầu của trẻ em vùng dân tộc thiểu số để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Ngành Giáo dục và Đào tạo cung cấp các dịch vụ giáo dục cho trẻ em khuyết tật; hướng dẫn các nhà trường miễn, giảm học phí cho học sinh vùng dân tộc thiểu số… Các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các ngành, đoàn thể ở cơ sở cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng…
Đầu tư cho những gia đình thay thế
Hơn 1.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội. Môi trường này đã giúp các em có những gia đình thay thế tốt nhất.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 Hà Nội (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) cho biết, trẻ lang thang được nuôi dưỡng thường xuyên tại cơ sở hiện có cuộc sống tương đối đầy đủ; được tạo điều kiện để học văn hóa, học nghề, hòa nhập xã hội. Đáng chú ý, năm 2019, thành phố Hà Nội đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng khu nhà ở, nhà ăn, nhà sinh hoạt chung… để nuôi dưỡng tốt hơn các đối tượng người lang thang.
Tương tự, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) đã được đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng thêm một số phòng học, cải tạo sân, vườn. Còn Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) đã được thành phố phê duyệt kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam…
Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, thành phố luôn quan tâm đến nguồn lực con người để chăm sóc trẻ em sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội một cách tốt nhất. Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi luôn được tạo những điều kiện tốt nhất để làm việc. Nhờ đó, trung tâm có được đội ngũ cán bộ, nhân viên tâm huyết, nhiệt tình, chăm sóc trẻ bằng tình yêu thương, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ”. Lớn lên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội, cháu Nguyễn Văn H (sinh năm 2005) chia sẻ: “Thật may mắn khi chúng cháu được sống trong ngôi nhà chung dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ở đây, chúng cháu được sống và đùm bọc nhau như trong một gia đình”.
Theo ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, nhờ sự cộng đồng trách nhiệm của các ngành, địa phương trong công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các em đã, đang và sẽ có điểm tựa, niềm tin vững chắc để vươn lên, hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.