Quy hoạch, xây dựng Thủ đô phát triển bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 17/10/2020

(HNNN) - Tại dấu mốc 1010 Thăng Long - Hà Nội, nhìn lại những gì đã trải qua, chúng ta càng ngưỡng mộ tầm nhìn thiên tài của tiền nhân đối với Thủ đô.

Tầm nhìn ấy không chỉ tạo dựng nền móng trái tim của Tổ quốc, kết nối những mạch nguồn cội rễ dân tộc mà còn để lại cho các thế hệ sau một không gian phát triển như chẳng bao giờ vơi cạn tiềm năng. Chưa bao giờ Hà Nội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhưng cũng vì thế mà phát sinh những bất cập, hạn chế của một giai đoạn phát triển “nóng”. Và vấn đề quy hoạch phát triển Hà Nội bền vững chưa bao giờ bức thiết như hiện tại.

Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại và văn minh. Ảnh: Lê Việt Khánh

1. Tiền đề của quy hoạch là chiến lược. Chiến lược phát triển của Hà Nội gắn liền với tư duy giữ vẹn nguyên giá trị được lịch sử trao truyền, đó là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Phát huy giá trị ấy, định hướng đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội không chỉ là hạt nhân phát triển của vùng Thủ đô, mà còn cùng với vùng phát triển trở thành vùng đô thị có tính cạnh tranh trong khu vực.

Trên tư tưởng ấy, việc hình thành các tuyến giao thông huyết mạch, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng kết nối đô thị trung tâm Hà Nội với các đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và các đô thị của các tỉnh khác trong vùng Thủ đô sẽ là tiền đề cho sự phát triển. Đây cũng là tiền đề cho việc chia sẻ, liên kết không gian kinh tế giữa các đô thị để tạo nên sự phát triển cân bằng, mà ở đó, Hà Nội vừa là trung tâm vừa là cực thu hút, kết nối và chia sẻ trong vùng.

2. Để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở Thủ đô cần thay đổi tư duy theo hướng tăng cường đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, các công trình khoa học kỹ thuật, phục vụ sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa xã hội..., thay vì chú trọng đầu tư các công trình phục vụ lợi ích kinh tế. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đô thị mà còn tạo dựng sự cân bằng xã hội, giảm tải - khắc phục hiện tượng quá tải cho khu vực nội đô Hà Nội. Đặc biệt chú trọng xã hội hóa và tham vấn cộng đồng trước quy hoạch để tìm đạt được sự đồng thuận cao, từ đó mới đem lại tính khả thi trên thực tiễn.

Một điểm quan trọng nữa, quy hoạch cần được thực hiện theo hướng đô thị phải có mối liên hệ chặt chẽ với nông thôn, vùng điều chỉnh hài hòa yếu tố tài nguyên giữa đô thị với nông thôn, đưa các công trình công cộng, giao thông, các cơ sở hạ tầng về nông thôn, từng bước thực hiện đô thị và nông thôn có điều kiện sống tương đồng. Làm sao để người dân các huyện, kể cả xa xôi nhất như Ba Vì, Phú Xuyên gắn bó với quê hương, để phát triển nông thôn, tránh dịch cư vào các quận nội thành. Thủ đô cần phát triển đô thị song song với bảo tồn vùng nông nghiệp cận đô thị và ngoại thị như hai mặt âm - dương hỗ trợ để bảo đảm cân bằng.

Mặt khác, yếu tố tiền đề trong tư duy phát triển cân bằng là xác định cơ cấu các ngành kinh tế chính. Ở Thủ đô, kinh tế tri thức, khoa học kỹ thuật và công nghệ cao cùng với kinh tế dịch vụ là những mũi nhọn, dung lượng môi trường và quy mô đô thị Hà Nội vừa phải, tránh bệnh “đầu to”. Một đô thị lớn như Hà Nội, thời gian qua có tốc độ phát triển rất nhanh, do đó đã nảy sinh những vấn đề về đô thị như: Tài nguyên và môi trường đều phải chịu sức ép rất lớn. Chính vì vậy, việc hình thành 5 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn sinh thái (Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ), và 11 thị trấn có quy mô vừa và nhỏ xung quanh đô thị trung tâm, từ đó tạo dựng một hệ thống đô thị bố cục hợp lý là để thúc đẩy sự phát triển hài hòa trong không gian rộng lớn của Thủ đô; làm cơ sở cho mục tiêu đô thị hóa của Hà Nội chuyển trạng thái từ tập trung ở trung tâm sang phân tán theo mạng lưới; từ đô thị phát triển nhanh sang bền vững.

Trên thực tế, Thủ đô đang phát triển không gian xây dựng ngầm ở đô thị trung tâm với tuyến đường sắt đô thị số 3. Như vậy, việc sử dụng không gian đô thị bước đầu khắc phục quan niệm: Coi trọng quy hoạch không gian xây dựng nằm trên mặt đất; nghiên cứu chưa sâu - rộng đối với không gian đô thị, gây bất lợi cho phát triển đô thị trên thực tiễn. Việc phát triển mô hình đô thị nén dọc theo các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai giúp tiết kiệm quỹ đất, sử dụng hiệu quả giao thông công cộng, cũng là cơ hội để cải tạo các khu đô thị cũ xuống cấp.

Việc cải tạo đô thị ở Hà Nội thời gian qua thực sự không được chú trọng bằng phát triển mới; nhiều công trình di sản đô thị - biểu tượng văn hóa của Thủ đô có nguy cơ biến dạng, thậm trí biến mất như nhà cổ trong khu phố cổ, biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 hay các thiết chế văn hóa làng xã truyền thống như cổng làng, giếng làng hay cây đa, bến nước, sân đình... Mà văn hóa là linh hồn của một đô thị bền vững. Chúng ta cần dựa vào điều kiện địa lý, văn hóa, lịch sử, phong tục để định hướng phát triển, tạo ra nền tảng cho một đô thị mang sắc thái riêng. Thủ đô Hà Nội có bề dày văn hóa sâu đậm. Những di tích lịch sử, văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ, phố cũ, khu di tích Cổ Loa, Sơn Tây... đã, đang và sẽ cần được bảo tồn, phát huy giá trị bên cạnh những giá trị văn hóa mới được hình thành theo nhu cầu thời đại.

3. Quy hoạch Hà Nội với thiết kế đô thị có sắc thái riêng cần dựa vào điều kiện đặc thù của đô thị là thành phố của sông hồ, tựa vào núi Tản, Ba Vì, Hương Sơn với vùng xanh bao quanh đô thị.

Lịch sử để lại một đô thị đặc sắc với khu trung tâm được tạo lập bởi các cấu trúc không gian hài hòa trên địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Những khu tập thể cũ với cấu trúc đều đặn, giản đơn nhưng ngăn nắp và có niêm luật tồn tại bên các khu đô thị mới ngày một xanh - hiện đại. Đô thị Hà Nội, vì vậy, vốn dĩ đã tiềm ẩn sức sống. Tuy nhiên, để trong tương lai đô thị ấy hài hòa với thiên nhiên nhằm tạo nên những không gian công cộng và môi trường tối ưu cho Thành phố, chúng ta cần kế hoạch dài hơi, bài bản. Ý tưởng xuyên suốt trong quy hoạch xây dựng Hà Nội với thiết kế đô thị có sắc thái riêng chính là sự đan xen các cấu trúc không gian giữa các thời kỳ lịch sử với cảnh quan tự nhiên, sông, hồ, cây xanh.

Việc đánh giá quy hoạch xây dựng và thiết kế kiến trúc của một đô thị có tiên tiến, hợp lý hay chưa cần được phân tích trên góc độ vĩ mô là sự cân bằng sinh thái, khả năng phát triển bền vững và tính khả thi.

Trên bình diện tổng thể, hành lang xanh bao bọc xung quanh các đô thị trong Thủ đô Hà Nội cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hệ thống sông ngòi cùng với mạng lưới hơn 1.000 hồ, ao lớn nhỏ ở Hà Nội cần được bảo vệ như một tài nguyên quý báu. Trên góc độ vi mô, cần phải tạo ra hệ thống cây xanh và giải pháp kiến trúc có hiệu quả cao. Xây dựng một đô thị sinh thái không những cần có quy hoạch ở trình độ khoa học cao, mà còn cần một bản thiết kế đô thị sinh thái hoàn hảo. Những vườn hoa Ngọc Hà, Quảng Bá, Nhật Tân... đã và đang mất đi, nên chăng lưu giữ những cánh đồng hoa ở Nghi Tàm, Tứ Liên, Tây Tựu, Mê Linh... và lồng ghép trong cảnh quan sinh thái các khu đô thị mới. Những thảm thực vật kết hợp với mô hình nông nghiệp đô thị hoàn toàn có thể phát triển dọc sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ và đầm Vân Trì. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

4. Cách đây không lâu, chủ đầu tư phát triển đô thị ở Hà Nội chủ yếu từ khu vực nhà nước, tiến độ xây dựng chậm và nguồn vốn hạn hẹp. Gần đây, đã có sự chuyển dịch với sự tham gia của các tập đoàn kinh tế tư nhân với nguồn vốn dồi dào, tiến độ và chất lượng các khu đô thị mới được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta đang chú trọng nhiều hơn đến quy hoạch phát triển mới, ít quan tâm đến các khu vực cải tạo, bảo tồn. Do đó, cần tìm kiếm mô hình phát triển hài hòa giữa khu đô thị mới phía bắc sông Hồng và phía đông vành đai 4 với cải tạo các khu chung cư cũ, bảo tồn khu phố cổ, các di sản kiến trúc Pháp trong lõi trung tâm. Ví dụ như phát triển đô thị mới ở quận Long Biên gắn với di dân tái định cư để thực hiện bảo tồn khu phố cổ, xây dựng đô thị mới Đông Anh gắn với bảo tồn khu di tích Cổ Loa... Mô hình hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển sẽ thúc đẩy sự thành công của quy hoạch trên thực tiễn. Cần xây dựng cơ chế phát triển hài hòa giữa việc khai thác, sử dụng các công trình thương mại với việc xây dựng cơ sở hạ tầng; đặc biệt chú trọng ngay việc phát triển các công trình dịch vụ dọc các ga đường sắt đô thị tuyến số 2A, và số 3. Cùng với đó là thiết lập mô hình kết hợp các nguồn vốn từ chính quyền với các thành phần kinh tế khác một cách sáng tạo nhằm phát huy mọi tiềm lực xã hội trong thực hiện quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Quy hoạch, xây dựng Thủ đô phát triển bền vững đòi hỏi sự thay đổi nhận thức từ quy hoạch đơn ngành sang đa ngành, nhiều chiều cạnh. Cần có chiến lược phát triển, tôn trọng ý kiến của nhân dân, lấy kinh tế tri thức làm mũi nhọn để phát triển đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị nhằm tạo sự cân bằng - hạn chế đô thị hóa tràn lan, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả không gian đô thị đồng thời bảo tồn văn hóa truyền thống, dựa vào quy hoạch với thiết kế đô thị có sắc thái riêng để bảo vệ môi trường sinh thái...

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội - một chặng đường mới đã mở ra với góc nhìn mới, thách thức mới và cơ hội mới, là tiền đề để các thế hệ người Hà Nội tiếp nối, kế thừa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

KTS Vũ Hoài Ðức