Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn

Tài chính - Ngày đăng : 06:19, 17/10/2020

(HNM) - Lần thứ 3 trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để các ngân hàng thương mại có dư địa giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dám "gõ cửa" ngân hàng. Trước tình hình này, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh một cách thuận lợi.

Các ngân hàng cần tiếp tục có các chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Ảnh: Nhật Nam

Nhu cầu vay vốn thấp

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 1-10 (lần thứ ba trong năm nay), lãi suất cho vay VND trên thị trường liên ngân hàng đã xuống mức 0,1%/năm. Cùng với đó, lãi suất huy động đã được các ngân hàng thương mại giảm xuống mức rất thấp, phổ biến 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,55-4%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4-6,4%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6-7,2%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Nếu cộng thêm biên độ 3,5-4%/năm, lãi suất cho vay cao nhất là hơn 11%/năm dành cho kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Ngoài ra, với các lĩnh vực ưu tiên, mức lãi suất cho vay thấp hơn 0,5-2,5% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Thực tế, nguồn vốn khá dồi dào, sẵn sàng cung ứng kịp thời cho nền kinh tế. Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu tín dụng vẫn rất yếu. Tính đến hết tháng 9-2020, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 6% so với cuối năm 2019, trong khi mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 14%. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoa, nhiều ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, doanh thu giảm sâu, không còn nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, điều doanh nghiệp cần hơn là giảm lãi suất ở cả khoản vay hiện hữu.

Trong khi đó, với không ít doanh nghiệp nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp vẫn khó khăn. Bà Nguyễn Ngọc Phương, đại diện Công ty Nhựa Quân Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, lãi vay kỳ hạn 6 tháng với khoản vay cũ là 10,5%/năm, còn lãi vay mới được giảm về mức 9,3%/năm, nhưng chỉ dành cho 3 tháng đầu. Không những thế, tài sản thế chấp của doanh nghiệp là nhà đất, trước đây được ngân hàng định giá cao và cho vay khoảng 50% giá trị, nay vừa định giá thấp hơn vừa chỉ cho vay khoảng 40% giá trị, nên doanh nghiệp khó vay thêm.

Lý giải vấn đề này, ông Lê Hồng Phong, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, để được vay lãi suất ưu đãi, doanh nghiệp phải thuộc nhóm các ngành nghề được ưu tiên hoặc phải đáp ứng điều kiện riêng, bởi ngân hàng cũng cần bảo đảm các tiêu chuẩn phòng rủi ro, tránh nguy cơ nợ xấu.

Ngoài ra, hiện có thực tế là mức lãi suất của ngân hàng công bố chỉ là tương đối. Với mỗi khách hàng, lãi suất thực được áp dụng khác nhau và điều kiện cho vay khá chặt chẽ, chỉ doanh nghiệp hoạt động an toàn mới được chấp thuận giải ngân.

Tiếp tục điều hành linh hoạt, phù hợp

Đại diện cho khối doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đề nghị, giảm lãi suất cho vay về 0-5%/năm. Còn Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị có các gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành riêng cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đều kỳ vọng lãi suất được điều chỉnh giảm hơn và dài hạn hơn... Với lãi suất huy động ngắn hạn ở mức 2,55-4,1%/năm, lãi suất cho vay khoảng 6-6,5%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn dài 6-6,5%/năm thì lãi suất cho vay chỉ nên ở mức 8,5-9%/năm là hợp lý.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp lúc này là cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều đó không chỉ cần sự tham gia tự nguyện của các ngân hàng thương mại, mà nhất thiết phải sử dụng nguồn lực từ ngân sách. Theo đó, ngân sách có thể cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay với mức khoảng 4%/năm.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo, tình hình kinh tế có thể sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2021, nếu các doanh nghiệp không nhận được sự hỗ trợ cần thiết sẽ khó tồn tại. Thực tế, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ, khoanh nợ, miễn giảm phí, lãi suất cho hàng trăm nghìn khách hàng. Song, hạ mặt bằng lãi suất cho vay vẫn là giải pháp quan trọng hơn cả.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành công cụ tái cấp vốn linh hoạt, phù hợp diễn biến vĩ mô và chủ trương của Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế. Việc điều hành lãi suất vừa bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn nhưng không hạ chuẩn cho vay để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

Dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 chỉ đạt khoảng 8-9%, thấp hơn nhiều so với mức 13,65% của năm 2019.

Hà Linh