Hướng đến phát triển bền vững
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 18/10/2020
Thực tế cho thấy, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn và đây là động lực giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp du lịch đã có những bước đi mạnh mẽ với những dịch vụ điển hình có thể kể đến là đặt tour trực tuyến; mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa; hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D; ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến; xây dựng kho dữ liệu về du lịch...
Những tiện ích nói trên đã mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như doanh nghiệp lữ hành khi hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch dễ dàng tiếp cận hơn với khách du lịch. Nhìn một cách toàn diện, việc này giúp giảm tác động đến môi trường, tiết kiệm chi phí và thời gian cho du khách. Vì thế, chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư tiết kiệm, có thể giúp doanh nghiệp đưa các sản phẩm tiếp cận với du khách, từ đó sớm phục hồi và bứt phá ở giai đoạn hậu Covid-19.
Mục đích của chuyển đổi số trong ngành Du lịch là phải giữ được quan hệ với khách hàng, tạo sức hấp dẫn thu hút thêm khách hàng mới thông qua những nền tảng trực tuyến như ứng dụng Zalo, Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn... Để tận dụng và làm tốt được việc này, các doanh nghiệp du lịch cần số hóa hệ thống thông tin về du khách, về sản phẩm và dịch vụ; tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học để đáp ứng nhu cầu của du khách cả về chất lượng dịch vụ cũng như giá thành sản phẩm.
Bước tiếp theo là phải sử dụng tối ưu nền tảng dữ liệu số hóa thông qua một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hoàn thiện. Các trang mạng, ngoài thể hiện tính chuyên nghiệp cao nhất với thiết kế bảo đảm thẩm mỹ, nội dung phong phú, tích hợp nhiều tiện ích cần thiết cho du khách thì còn cần phải tương thích, thân thiện trên tất cả các thiết bị điện tử mà khách hàng quen dùng khi truy cập thông tin, từ máy tính, máy tính bảng cho đến điện thoại di động. Đặc biệt, hệ thống thông tin cũng cần phục vụ tốt các mục tiêu quảng bá, giới thiệu điểm đến và hỗ trợ khách du lịch khi họ tìm hiểu về địa điểm vui chơi, mua sắm, nhà hàng, an ninh, y tế… Thêm nữa, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự chuyển đổi hình thức tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số; kết hợp với thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ… xây dựng được những sản phẩm hoàn hảo nhất, phù hợp với từng đối tượng để tối ưu trải nghiệm cho các du khách.
Chất lượng sản phẩm du lịch là yếu tố cốt lõi thu hút du khách, chất lượng sản phẩm du lịch thời chuyển đổi số lại càng đòi hỏi cao hơn thông qua một đội ngũ nhân lực có năng lực, một hệ thống cơ chế chính sách phù hợp bên cạnh việc hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra. Đòi hỏi này buộc ngành Du lịch cùng với cơ quan chức năng phải có chiến lược tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân sự phù hợp; hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách, hạ tầng công nghệ thông tin để việc chuyển đổi số thật sự hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh nhưng thật sự bền vững.