Trân trọng và tiếc thương trước sự hy sinh của người con Sài Sơn
Đời sống - Ngày đăng : 18:43, 18/10/2020
“Tìm được người như Hùng thật sự rất khó…”
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia là một trong 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào rạng sáng 13-10.
Nhận tin dữ, là người chỉ huy cũ của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Trung tướng Phạm Hoài Giang, nguyên Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nghẹn ngào chia sẻ nỗi tiếc thương.
“Sự ra đi của Thiếu tướng Hùng khiến tôi quá đau xót vì không nghĩ người từng đi cứu nhiều người lại hy sinh trong hoàn cảnh như vậy. Hùng là sĩ quan vừa có tâm, vừa có tầm, có phong cách lãnh đạo, chỉ huy sâu sát, tận tâm, tận lực, gương mẫu trước cấp dưới, lối sống giản dị và còn luôn khiêm nhường, cầu thị học hỏi từ các đồng chí, đồng đội…”, Trung tướng Phạm Hoài Giang xúc động khi nhớ về Thiếu tướng Hùng.
Nguyên Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn nhớ lại kỷ niệm mãi in sâu trong tâm trí. Năm 2013, Việt Nam đăng cai tổ chức diễn tập thực binh ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (ARDEX 13) với sự tham gia của các nước trong khối ASEAN và 8 quốc gia bên ngoài. Lữ đoàn Công binh 249 được chọn là nơi tập huấn.
“Tôi âm thầm quan sát thấy Lữ Đoàn trưởng Nguyễn Hữu Hùng thực sự có năng lực, tổ chức chỉ huy mạch lạc, tham mưu đề xuất đúng và trúng vấn đề. Đặc biệt, Hùng rất gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm với công việc. Trước đêm diễn ra tập huấn, trời mưa tầm tã, tôi lo lắng không ngủ được, thấy bên ngoài Hùng mặc áo mưa, đi dép giọ, thức trắng cả đêm hoàn thành mọi việc lớn. Tôi cảm động và lòng tin với Hùng cứ ngày một lớn dần…”. Sau khi âm thầm quan sát, phát hiện tố chất của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, chính Trung tướng Phạm Hoài Giang đã báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị điều động đồng chí Hùng về làm Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn.
Một ấn tượng khác về Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng được Trung tướng Phạm Hoài Giang chia sẻ là sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) vào tháng 12-2014. Với tất cả sự hiểu biết và đặc biệt là lòng tin ở Thiếu tướng Hùng, Trung tướng Phạm Hoài Giang đã đề xuất Bộ Tư lệnh Công binh đưa anh vào giải quyết sự cố.
Thấu hiểu công tác cứu hộ có giờ vàng, càng kéo dài sẽ càng gây thiệt hại về người, đồng chí Hùng khi đó đã đưa ra phương án hết sức táo bạo để có đường hầm ngắn nhất là đào theo đường thẳng chui dưới đống sụt trượt bằng kỹ thuật đào hầm qua đất yếu của công binh. Phương án ngay lập tức được chấp thuận và anh được giao toàn quyền chỉ huy. 12 công nhân đã được giải cứu sau đó nhờ năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm của người chỉ huy như Thiếu tướng Hùng.
“Lập được nhiều thành tích nhưng Hùng rất khiêm tốn. Tất cả anh em đã tiếp xúc với Hùng đều nể phục, quý mến vì anh là người của công việc, sống tình cảm… Cũng có lẽ bởi vậy, sự hy sinh của Hùng đã gây ra đau xót lớn cho nhiều người. Trung tướng Trần Quang Khuê, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng, gọi điện cho tôi cũng bày tỏ bàng hoàng, chia sẻ, đã chứng kiến sự hy sinh của nhiều đồng đội, đồng chí, nhưng chưa có trường hợp nào lại khiến ông tiếc thương “rụng rời chân tay” đến như thế.
Sự hy sinh của Hùng không chỉ là nỗi đau thương, thiệt thòi cho gia đình mà cho cả ngành cứu hộ, cứu nạn, vì tìm được người như Hùng thật sự rất khó”, Trung tướng Phạm Hoài Giang nghẹn ngào.
Ngày 17-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký Quyết định số 1819/QÐ-CTN truy thăng quân hàm từ Ðại tá lên Thiếu tướng đối với đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Quyết định số 1820/QÐ-CTN truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 11 đồng chí vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đợt mưa lũ và bão vừa qua tại thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Ðiền, Thừa Thiên - Huế).
Theo đó, hai đồng chí được truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất: Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cứu hộ - Cứu nạn...
Cảm nhận sự hy sinh lớn lao vì bình yên của nhân dân
Chiều 18-10, chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Thụy xúc động cho biết, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng là người con thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn. Được tin đồng chí Hùng hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đến nhà hỏi thăm, động viên gia đình.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng sinh ra trong gia đình giàu truyền thống: Bố đồng chí Hùng là bộ đội, các anh em trong gia đình cũng tham gia lực lượng quân đội và công an. Mới đây, con trai lớn của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng cũng tiếp bước cha, ông và hiện là sĩ quan công binh...
“Tôi và anh Hùng ở cùng thôn. Anh ấy là người rất hòa đồng, được anh em, bạn bè quý mến. Có những việc quan trọng của địa phương, lãnh đạo xã vẫn thường xuyên trao đổi, xin ý kiến của anh ấy. Anh Hùng hy sinh là mất mát lớn đối với chúng tôi”, Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Thụy cho biết thêm, trong ngày 18-10, các ban, ngành, đoàn thể của xã đã phối hợp với các lực lượng quân đội và gia đình hoàn tất công việc chuẩn bị tang lễ để đón đồng chí Nguyễn Hữu Hùng về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Sài Sơn vào sáng 19-10, đảm bảo chu đáo, trang trọng để tỏ lòng thành kính đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, vì hạnh phúc, bình yên của nhân dân.
Cô giáo Phan Thị Hoàn (đồng nghiệp của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thoa, giáo viên Trường THCS Sài Sơn, vợ của đồng chí Nguyên Hữu Hùng) đã rất xúc động khi nghe tin đoàn cứu hộ công nhân tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3, trong đó có đồng chí Hùng gặp biến cố. Chị cũng như các đồng nghiệp trong trường vô cùng lo lắng, dõi theo mọi tin tức và luôn thầm cầu mong sự bình an sẽ đến với tất cả mọi người.
Khi tin dữ ập đến, họ luôn bên cạnh động viên giúp chị Thoa vượt qua nỗi đau và mất mát quá lớn. “Chị Thoa có nói, trước khi lên đường, anh Hùng động viên vợ “Nhà nước ghi công anh, anh ghi công em”. Câu nói đó làm chúng tôi rất thấm thía công lao của anh có sự hy sinh của chị. Nay, anh đã vĩnh viễn ra đi với các đồng đội của mình, ngay giữa thời bình, chúng tôi càng cảm nhận rõ sự hy sinh to lớn của các anh. Thời điểm này, chúng tôi không biết làm gì hơn ngoài luôn bên cạnh gia đình, chia sẻ làm vơi đi phần nào đau thương mất mát. Chúng tôi luôn cầu mong các chiến sĩ được bình an”, cô giáo Phan Thị Hoàn chia sẻ.
Sau lễ viếng và lễ truy điệu tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vào sáng 18-10, linh cữu Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng được gia đình và quân đội đưa về quê nhà. Từ 8h ngày 19-10, tang lễ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng được tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Lễ truy điệu và an táng vào hồi 10h30 cùng ngày. Cho đến cuối chiều nay (18-10), gia đình và chính quyền xã đã hoàn tất công việc chuẩn bị cho tang lễ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng.
Quê nhà đang đón đợi đồng chí về bình an trong lòng đất mẹ.