Thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ: Cần sự hỗ trợ kịp thời

Xe++ - Ngày đăng : 07:31, 19/10/2020

(HNM) - Thương mại hóa công nghệ là khâu quan trọng trong việc đưa kết quả hoạt động khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đây là vấn đề khó và phức tạp, cần có sự hợp tác của nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo làm điểm tựa cho các kết quả nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống.

Tọa đàm “Kết nối doanh nghiệp với nhà trường nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ” tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 10-10-2020.

Thị trường tiềm năng

Hiện nay, công nghệ được coi là công cụ nhằm tăng sức cạnh tranh và chất lượng mọi loại sản phẩm. Mỗi năm có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu trong nước và từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký tại Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong 3 năm gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được cấp lượng văn bằng sở hữu trí tuệ lớn nhất cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Hằng năm, Viện có khoảng 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhiều kết quả nghiên cứu tuy không được sản xuất thành hàng hóa tiêu dùng song lại có tính ứng dụng rất cao, như: Kết quả quan trắc động đất cảnh báo sóng thần; kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ; hệ thống xử lý chất thải bệnh viện, nhà máy; công nghệ tẩy độc đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp sinh học; hệ thống phòng thí nghiệm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; môi trường không khí…

Dù công tác ứng dụng và triển khai công nghệ đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thương mại hóa công nghệ ở nước ta hiện còn nhiều hạn chế so với nhu cầu. Sản phẩm được thương mại hóa chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các đề tài nghiên cứu. “Việt Nam đang thiếu các doanh nghiệp có tiềm lực về khoa học và công nghệ”, ông Chu Hoàng Hà chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam cho biết, quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu vẫn còn khó khăn đối với cả doanh nghiệp và nhà khoa học. Trong 5 sản phẩm đã được thương mại hóa của công ty, có 3 sản phẩm hình thành từ các đề tài nghiên cứu. Để phát triển được 3 dòng sản phẩm này, công ty đã phải tìm kiếm rất nhiều đề tài.

Nguyên nhân của tình trạng trên, một phần là do các nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu thương mại hóa, nhà khoa học chưa chủ động và tích cực trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu; một phần do môi trường kết nối giữa doanh nghiệp, nhà khoa học còn nhiều hạn chế; doanh nghiệp thiếu thông tin và niềm tin về công nghệ nội. Bên cạnh đó còn nhiều rào cản, vướng mắc về cơ chế tài chính, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ; các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ nhà khoa học còn yếu; vẫn để nhà khoa học phải “tự bơi” trong công cuộc tìm kiếm thị trường cho các sáng chế của mình, thậm chí phải tự bỏ tiền túi để bảo hộ tài sản trí tuệ mà quyền sở hữu lại thuộc về Nhà nước.

Cần một hướng đi

“Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là hướng đến cộng đồng, phục vụ cuộc sống, vì vậy cần tăng cường truyền thông để kết quả nghiên cứu, sản phẩm thương mại hóa đến với người dân”, Tiến sĩ Hà Phương Thư, Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay. Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thành nhấn mạnh: “Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp cần cùng nhau tìm hướng đi để cùng với người tiêu dùng đều được hưởng lợi”.

Trước thực tế nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với việc thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, Tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường - Doanh nghiệp và khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Việc nghiên cứu khoa học và công nghệ khó bao nhiêu thì chính sách thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường khó bấy nhiêu. Không chỉ vậy, thủ tục giải ngân cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ rườm rà, tốn nhiều thời gian, công sức, khiến không ít nhà khoa học cảm thấy “nản lòng”.

Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Ứng dụng triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chia sẻ: “Tư duy của nhà khoa học và doanh nghiệp khác nhau nên rất cần có sự hợp tác, thấu hiểu để chuyển giao công nghệ. Vấn đề vướng mắc lớn nhất trong quá trình chuyển giao nghiên cứu khoa học và công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ chính là cơ chế tài chính và chính sách”.

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu sâu, nghiên cứu những lĩnh vực có đầu ra gắn với thực tiễn đời sống sản xuất, kinh doanh; các nhà khoa học cùng doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin về sản phẩm, đồng thời, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để sản phẩm khoa học và công nghệ mới được sản xuất và lưu thông trên thị trường; xây dựng chính sách ưu đãi hỗ trợ cho những đơn vị thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ…

Thu Hằng