Sơ tán khẩn cấp 37.490 hộ dân miền Trung khỏi vùng lũ lụt

Đời sống - Ngày đăng : 11:42, 19/10/2020

(HNMO) - Từ đêm 18 đến sáng 19-10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình tiếp tục xảy ra mưa to đến đặc biệt to. Mưa lớn đã khiến mực nước nhiều sông lên nhanh làm 24 huyện, thị xã, thành phố thuộc 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị ngập sâu với tổng số 121.694 hộ dân bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện còn 2.704 hộ dân thuộc 7 huyện, thành phố: Hà Tĩnh, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Đức Thọ, Lộc Hà, Thạch Hà bị úng ngập. Tại tỉnh Quảng Bình có 65.231 hộ dân thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Ba Đồn, Đồng Hới, Quảng Trạch bị úng ngập. Tại tỉnh Quảng Trị có 53.759 hộ dân thuộc 9 huyện, thành phố: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh, Quảng Trị, Triệu Phong, Hải Lăng bị ngập...

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 20-10, các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa 200-400mm, có nơi cao hơn 400mm; các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có mưa rất to với lượng mưa 150-250mm, có nơi cao hơn 300mm... Do vậy, từ nay đến ngày 21-10, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn trên các sông. Các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt sâu, diện rộng. Các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ, xung yếu có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn... Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo mức rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đạt cấp độ 4 - mức cao nhất trong thang cảnh báo thiên tai tại Việt Nam.

Ứng phó với thiên tai, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã sơ tán khẩn cấp 37.490 hộ dân với 121.280 người. Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh đã sơ tán 7.183 hộ với 20.761 người; tỉnh Quảng Bình sơ tán 7.148 hộ với 28.592 người; tỉnh Quảng Trị sơ tán 11.084 hộ với 34.737 người; tỉnh Thừa Thiên - Huế sơ tán 12.075 hộ với 37.190 người. Bên cạnh đó, các tỉnh đã triển khai phương án cứu trợ nhân dân vùng thiên tai. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất cấp, phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 thùng mì tôm để cứu trợ khẩn cấp các hộ di dời phòng tránh mưa, lũ... 

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty dịch vụ viễn thông nhắn tin cảnh báo lũ lụt khẩn cấp đến 13,1 triệu thuê bao trong vùng ảnh hưởng mưa, lũ; nhắn tin cho 260.000 tài khoản Zalo và 180.000 tài khoản Facebook...

Sáng nay (19-10), các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm cứu nạn, tổ chức sơ tán và hỗ trợ người dân vùng lũ lụt, hướng dẫn, đảm bảo an toàn giao thông...

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, các lực lượng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3, tìm kiếm 14 công nhân còn mất tích. Tỉnh Quảng Trị tiếp tục tìm kiếm 20 người còn mất tích tại các xã Hướng Phùng và Hướng Việt thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa...

Cập nhật về thiệt hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến sáng 19-10, thiên tai xảy ra tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã làm 90 người chết; trong đó, tỉnh Quảng Trị là 41 người, tỉnh Thừa Thiên - Huế 27 người, tỉnh Quảng Nam 11 người... Hiện, các tỉnh còn 34 người mất tích; trong đó, tỉnh Quảng Trị còn 16 người, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn 15 người...

Ngoài thiệt hại về người, thiên tai đã làm 12 tuyến quốc lộ, 17.409m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; 924ha lúa và 106.616ha hoa màu bị ngập, hư hại; 450 tấn cây giống và 46.562 tấn hạt giống bị hư hỏng; 2.899 gia súc và 528.857 gia cầm bị chết, cuốn trôi...

Để ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ...; trong đó, tập trung tìm kiếm người còn mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu...

Kim Nhuệ