Các tỉnh Trung Bộ khẩn trương ứng cứu, di dời hàng nghìn hộ dân bị ngập sâu
Đời sống - Ngày đăng : 19:07, 19/10/2020
Quảng Trị: Sạt lở cuốn trôi cầu tạm Ta Bang, tuyến đường Hướng Sơn - Hướng Phùng bị chia cắt
Báo Quảng Trị đưa tin, do mưa lớn gây sạt lở đất, chiếc cầu tạm do Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Quảng Trị lắp đặt để đảm bảo giao thông bước 1 cầu Ba Tang, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đã bị cuốn trôi. Đoạn đường này bị đất, đá vùi lấp, tuyến đường Hướng Sơn - Hướng Phùng bị chia cắt. Trong ngày 19-10, đơn vị đã huy động máy xúc để dọn đất, đá quanh khu vực sạt lở.
Trong diễn biến khác, dù thời tiết diễn biến xấu, nguy cơ sạt lở núi cao, nhưng trong ngày 19-10, các lực lượng đã tranh thủ từng phút để tìm kiếm các nạn nhân xấu số trong vụ sạt lở đất đêm 18-10. Đến 14h20 cùng ngày, toàn bộ thi thể của 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 gặp nạn đã được tìm thấy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, để thông tuyến phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, toàn ngành giao thông đã huy động hàng trăm lượt xe cơ giới, máy móc, thiết bị các loại cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, công nhân làm việc xuyên đêm.
Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 18-10, toàn tỉnh Quảng Trị có 37 người chết, 19 người chưa tìm thấy, 15 người bị thương; có 41.878 hộ (148.022 nhân khẩu) bị ngập lụt, trong đó đã tiến hành sơ tán 8.212 hộ (24.524 nhân khẩu) đến nơi an toàn.
Quảng Bình: Khẩn trương ứng cứu, di dời hàng nghìn hộ dân bị ngập sâu
Theo Báo Quảng Bình, chiều 19-10, hàng nghìn ngôi nhà trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã bị ngập sâu trong lũ, trong khi mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra. Nước sông Gianh đang lên nhanh, vượt ngưỡng báo động 3.
Mưa lũ đã gây ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là các xã ở hạ nguồn sông Gianh như: Văn Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Tiến Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa, Cao Quảng và xã Ngư Hóa; giao thông đi lại bị ách tắc, tê liệt. Tuyến quốc lộ 12A đã bị ngập, có điểm ngập sâu gần 1m.
Nước lũ đã gây ngập lụt cho hơn 6.600 ngôi nhà trên địa bàn huyện, trong đó có 3.655 nhà ngập sâu từ 1-3m; hơn 3.800 hộ (gần 16.000 khẩu) bị cô lập. Chính quyền các địa phương đã vận động di dời 381 hộ (1.036 nhân khẩu) ở các điểm lũ quét, sạt lở đất.
Trên địa bàn huyện Quảng Ninh, mưa lũ đã làm ngập 17.800 ngôi nhà, 1 người chết. Tại các xã vùng trũng như Hiền Ninh, Tân Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh, nước lũ ngập sâu từ 3-4m, chạm nóc nhà. Huyện đã cắt điện để bảo đảm an toàn, hầu hết các tuyến đường liên thôn, xã đã ngập sâu trong lũ, thông tin liên lạc bị gián đoạn.
Tại thành phố Đồng Hới cũng đã có trên 3.000 nhà dân bị ngập trong nước lũ. Các cấp chính quyền ở thành phố Đồng Hới đã tiến hành sơ tán hơn 150 hộ dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi cao ráo, an toàn...
Hiện nay, do các đợt mưa lũ kéo dài kết hợp với nước biển dâng, đã làm ngập hầu hết các tuyến đường giao thông và nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Thành phố Đồng Hới đang ưu tiên công tác rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt sâu để gấp rút di dời các hộ dân của các xã, phường trên địa bàn bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Thừa Thiên - Huế: Cứu trợ vùng ngập nặng, tiếp tế và tìm kiếm cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3
Theo Báo Thừa Thiên - Huế, mưa bão đã làm 27 người chết (12 người chết do mưa lũ, 2 công nhân Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong đoàn công tác tại khu vực Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67), mất tích 15 người tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3; 13 người bị thương. Mưa lũ làm hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập trong nước. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… Tổng thiệt hại do mưa lũ đến nay khoảng 1.126 tỷ đồng.
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết, quân đội đang điều 500 chiến sĩ về các địa bàn giúp khắc phục hậu quả mưa bão, vệ sinh môi trường. Tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 đang trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường. Các lực lượng quân đội, công an, giao thông đang tiếp tục khẩn trương tìm kiếm 15 nạn nhân còn mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3.
Lực lượng quân đội đã huy động thêm 500 người tham gia công tác tìm kiếm; lực lượng này sẽ mang theo lương thực để ở lại hiện trường liên tục thực hiện tìm kiếm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tiếp tục vận hành Sở Chỉ huy tiền phương để cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 cho đến khi kết thúc chiến dịch. Các lực lượng đã tiếp cận và xác định một số điểm nghi vùi lấp các nạn nhân.
Hà Tĩnh: Sơ tán 25.548 người dân đến nơi an toàn
Báo Hà Tĩnh đưa tin, vào giữa chiều nay, lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La đang lên chậm và dao động ở mức cao. Mực nước trên các sông Rào Cái và Cửa Nhượng đang ở mức cao. Tỉnh đã đồng loạt xả tràn điều tiết lũ hồ chứa.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin, hiện nay, các địa phương ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ để tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn. Trên địa bàn các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, lực lượng chức năng đã gấp rút sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Theo báo cáo của các địa phương, đến 15h ngày 19-10 đã tổ chức sơ tán 9.585 hộ với 25.548 người, trong đó: Cẩm Xuyên có 10.900 hộ với 32.700 người; Nghi Xuân 149 hộ dân với 437 người; Đức Thọ 8 hộ với 22 người ở các xã Đức Lạng, Hòa Lạc; Kỳ Anh 318 hộ với 1.058 người; Lộc Hà 201 hộ với 421 người; Thạch Hà 1.501 hộ với 4.568 người; Hương Sơn 242 hộ với 769 người; thành phố Hà Tĩnh 351 hộ với 650 người; Vũ Quang 4 hộ; Hương Khê 41 hộ với 129 người.