Người được ''chọn mặt gửi vàng''

Giới trẻ - Ngày đăng : 18:24, 19/10/2020

(HNMO) - Nếu chưa gặp chị, có lẽ tôi vẫn quan niệm rằng phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là để làm đẹp. Nhưng hóa ra, công việc của một người bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ là mang lại vẻ đẹp cho những người muốn hoàn thiện dáng vẻ bề ngoài mà cao cả hơn, nhân văn hơn là mang lại hạnh phúc cho những bệnh nhân kém may mắn, bị tạo hóa làm cho khiếm khuyết. Nếu không có những bác sĩ như chị, họ sẽ không bao giờ biết thế nào là hạnh phúc.

Dòng cảm xúc được viết lúc nửa đêm

“Khám lại cho một bệnh nhân dị tật không âm đạo trong hội chứng Mayer Rokitansky Kuster Hauser đã được bác sĩ tạo hình âm đạo bằng niêm mạc miệng cách đây 9 tháng. Bạn ấy đến khám lại cùng chồng sắp cưới. Âm đạo sâu, mềm mại như âm đạo bình thường. Họ đã quan hệ tình dục, “sử dụng sản phẩm nhân tạo” này 3 tháng nay và tất cả mọi thứ đều rất ổn.

Đặc điểm của bệnh lý này là có buồng trứng hoàn toàn bình thường nhưng không có cổ tử cung, không có âm đạo. Sau khi cưới, họ sẽ gặp bác sĩ sản khoa để làm thụ tinh trong ống nghiệm và nhờ mang thai hộ. Trước đây, những bệnh nhân này thường che giấu bệnh, không dám có bạn trai, không xây dựng gia đình. Họ sống buồn bã, u uất, khép kín. Ngày nay những bế tắc đó đều có thể được giải quyết. Họ có thể xây dựng gia đình, có con như bao phụ nữ khác”.

Tôi đọc thông tin này trên Facebook của TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, vào lúc nửa đêm khi chị vừa đăng dòng cảm xúc sau một ngày bận bịu với công tác quản lý và “sửa chữa” “khuyết điểm” cho một ca cắt mí toàn phần và một combo thu gọn vú phì đại, phẫu thuật thành bụng. Dường như niềm vui từ hạnh phúc của bệnh nhân cũ đã xua đi những mệt nhọc, để chị kết status (dòng trạng thái) bằng câu “Là con gái thật tuyệt. Là bác sĩ thật tuyệt”.

Hằng ngày “khâu vá” nhằm thỏa mãn nhu cầu đẹp hơn của các chị em như làm mũi, cắt mí, nâng ngực… nhưng việc chính và yêu thích của chị là phẫu thuật tạo hình bệnh lý, những ca tạo hình vi phẫu khuyết tổ chức do sẹo bỏng, ung thư và chấn thương. Có thể kể như dùng vạt da mỡ thành bụng để tạo vú cho một bệnh nhân đã bị cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Nhờ bàn tay vàng của bác sĩ Việt Dung, bên vú bị cắt cụt, vốn là một vết sẹo chéo đã “mọc” lên một “tòa thiên nhiên”, có lẽ còn đẹp hơn trước, giúp chị em cải thiện chất lượng sống.

Hay ca “sửa chữa” để đôi môi của một bệnh nhân che hết được răng của mình, điều mà chưa bao giờ chàng thanh niên này mơ tới dù đã đi rất nhiều trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ. Bệnh nhân bị teo lép toàn bộ nửa môi dưới do di chứng xạ trị khi điều trị u máu từ nhỏ. Dù “không có bột”, nhưng "bàn tay vàng" của Đại học Y đã “gột nên hồ”, để giờ đây bạn ấy không còn mặc cảm về khiếm khuyết này. Hay những em bé bị nơ vi hắc tố bẩm sinh trên mặt, trên lưng cũng đã được phẫu thuật thẩm mỹ để lớn lên trở thành những người bình thường như chúng bạn… Có những tổn thương khó tạo hình nhất như khuyết cánh mũi sau cắt bỏ khối ung thư cả 3 lớp da, sụn, niêm mạc, cũng đã được bác sĩ “sửa chữa” thành công.

Có nhiều ca bệnh mà sau phẫu thuật, bệnh nhân được sống một cuộc đời mới, như trường hợp bệnh nhân bị mắc hội chứng ái nam ái nữ. Cô ấy sinh ra với bộ nhiễm sắc thể là nam giới, nhưng hình thể ngoài và cơ quan sinh dục lại không hoàn thiện theo hướng này mà lẫn lộn khó phân biệt giữa nam và nữ. Được định danh là nữ, lớn lên phát triển với tâm lý và vai trò là nữ, nhưng khi dậy thì mới phát hiện ra khiếm khuyết của bản thân sau khi khám bệnh. Dằn vặt, khổ sở khi biết được sự khác biệt của bản thân, khủng hoảng khi biết chính xác dị tật mà mình mắc phải nhưng may mắn đã mỉm cười khi được phẫu thuật tạo hình, khắc phục khiếm khuyết và cuộc sống của cô đã hoàn toàn thay đổi. 

“Vẫn là bạn ấy nhưng xinh hơn”

Giờ đây, phẫu thuật thẩm mỹ không phải là “đặc quyền” của những người có điều kiện kinh tế nữa. Với chi phí không quá lớn, số phụ nữ tìm đến “dao kéo” để lấy lại tuổi thanh xuân hay làm cho mình đẹp hơn ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những đôi mắt, cái mũi kiểu Hàn Quốc nhan nhản thì cũng là lúc người ta mong muốn một vẻ đẹp tự nhiên dù có sự can thiệp.

“Vẫn là bạn ấy nhưng xinh hơn” là cụm từ quen thuộc khi TS.BS Phạm Thị Việt Dung nói về bệnh nhân của mình sau phẫu thuật. Bởi quan điểm trong phẫu thuật thẩm mỹ của chị là không đuổi theo sự hoàn hảo hay khuôn mẫu mà “vẫn phải là mình nhưng trẻ hơn, xinh hơn thôi”. Bởi quan điểm làm đẹp này, cùng sự hiểu biết sâu sắc về phẫu thuật thẩm mỹ với “đôi bàn tay vàng” nên những địa chỉ có sự tham gia của bác sĩ Việt Dung như Trung tâm Phẫu thuật thẩm mỹ của Bệnh viện Hòe Nhai luôn được người có nhu cầu tìm đến. 

Có lẽ, điều mà người bệnh dù là bệnh nhân bị các bệnh lý thuộc chuyên ngành phẫu thuật tạo hình như dị tật bẩm sinh, sẹo dính hay biến dạng do di chứng chấn thương, bỏng, phẫu thuật cắt u… hay bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ nhận thấy ở chị là sự đồng cảm. Với trái tim của một người phụ nữ, chị thấu hiểu với nhiều chị em, mất đi một bên ngực không chỉ là mất đi thẩm mỹ mà còn mất đi tinh thần và một phần cuộc sống, để rồi như chị từng viết: “Hôm trước, mổ xong ca tái tạo vú sau ung thư dài 6 tiếng thấy mệt, thở ra lỗ tai, định giải nghệ với ý nghĩ thiếu gì việc để làm mà tự nhiên hâm hâm đi đâm đầu vào phẫu thuật này cho mệt. Nhưng nay khám cho một bệnh nhân, nghe cô ấy kể rất buồn khi bác sĩ thông báo bị ung thư, nhưng thực sự sốc khi biết sẽ phải cắt bỏ một bên vú, lại thấy cần phải đâm đầu vào chỗ khổ rồi, không giải nghệ được”. 

40 tuổi, cô học trò "cưng" của Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, chuyên gia đầu ngành đã gánh trên vai trọng trách là Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội. Ngày nhận nhiệm vụ, TS.BS Phạm Thị Việt Dung có viết trên trang Facebook cá nhân rằng, nhận trọng trách cũng nghĩa là nhận tình cảm, niềm tin, hy vọng của thầy, của đồng nghiệp và bạn bè. Chị bảo “tự biết mình phải cố gắng thật nhiều để niềm tin, hy vọng kia không trao nhầm chỗ!”. Nhưng với những gì đã thấy, đã nghe, tôi cảm nhận rõ ràng, chị đã được cả thầy, đồng nghiệp và người bệnh “chọn mặt gửi vàng”. 

Vân Vũ