Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:27, 19/10/2020
Khi niềm tin trở lại với cộng đồng doanh nghiệp
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, 9 tháng năm 2020, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1,428 triệu tỷ đồng, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 10,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, cũng có 38,6 nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tăng hơn 81% so với cùng kỳ năm 2019, ảnh hưởng đến 31,8 triệu lao động. Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ tổng hợp, vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn, với tỷ lệ 80-90% doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc hoạt động cầm chừng...
Mặc dù vậy, kết quả khảo sát mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 45,6% số doanh nghiệp lạc quan cho rằng, tình hình kinh doanh quý IV-2020 sẽ tốt hơn so với quý III-2020, 35,4% cho rằng tình hình sẽ ổn định, chỉ có 19% cho rằng sẽ khó khăn hơn. Trong khi quý III-2020, chỉ có hơn 32% doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh sẽ tốt lên. Kết quả này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc xác nhận, 72,8% doanh nghiệp Việt Nam cho biết sẽ duy trì quy mô sản xuất trong quý IV-2020. Việt Nam vẫn đang là địa chỉ an toàn cho cộng đồng nhà đầu tư trong nước và nước ngoài theo làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tập trung “kề vai, sát cánh” cùng doanh nghiệp
Có thể thấy, xu hướng lạc quan hơn về tương lai sản xuất, kinh doanh đang diễn ra một cách rõ nét. Song, yêu cầu đặt ra vẫn là chủ động hỗ trợ, “kề vai, sát cánh” cùng doanh nghiệp một cách hiệu quả, thiết thực hơn nữa.
Vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp; hỗ trợ về chính sách bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động; thuê đất làm nhà xưởng với diện tích và giá thành hợp lý để phát triển sản xuất, kinh doanh…
Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Vinapro (quận Hoàng Mai, Hà Nội) Tạ Ngọc Hùng cho biết, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn trong giữ người lao động để ổn định sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng có thêm chính sách giúp doanh nghiệp hỗ trợ người lao động. Ở góc độ rộng hơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh đề xuất, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, để chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ đi vào cuộc sống, các cấp thực thi chính sách cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng.
Trong khi đó, theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, các chính sách cần thời gian thực hiện trong trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, mà trước hết nhằm ngăn chặn tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh...
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ, các bộ, ngành đã cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay với dư nợ hơn 3 triệu tỷ đồng; gia hạn nộp thuế 66 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 12,5 triệu người và 23 nghìn hộ kinh doanh 12,4 nghìn tỷ đồng; nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và nhiều loại thuế, phí khác… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, gói hỗ trợ lần hai sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, giải ngân khoản vay, gỡ bỏ rào cản về thủ tục, góp phần tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp… gắn với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, tận dụng cơ hội và các xu thế phát triển mới của thế giới.
Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2020, Chính phủ đã giao các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời tiếp tục hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đặc biệt, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất các chính sách hỗ trợ bổ sung các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 10-2020.