Tăng sức bật cho thị trường
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 20/10/2020
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ tháng 6-2020 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động kích cầu. Điều dễ thấy là các hội chợ, Tuần hàng Việt và tuần hàng của các vùng miền... được tổ chức sôi động trên địa bàn thành phố Hà Nội; các doanh nghiệp bán lẻ cũng triển khai nhiều hoạt động kết nối, khuyến mại.
Những hoạt động này đã mang đến cơ hội cho nhiều bên: Người tiêu dùng được mua hàng chất lượng cao với mức giá tốt, còn doanh nghiệp thì có điều kiện quảng bá, tiêu thụ hàng hóa... Đặc biệt, từ đây đã hình thành những mối kết nối giao thương giữa doanh nghiệp bán lẻ với nhà sản xuất; là dịp để nhà sản xuất đưa hàng vào những kênh lưu thông uy tín như siêu thị, cửa hàng tiện ích...
Hiệu quả của chương trình kích cầu được ví như đòn bẩy cho sự tăng trưởng kinh tế. Điều này được minh chứng rõ khi đã thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tham gia, góp phần nâng mức bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn 9 tháng năm 2020 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Thực tế này cũng là cơ sở để từ nay đến cuối năm 2020, ngành Công Thương thành phố sẽ tổ chức hơn 30 sự kiện như: Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với hơn 50 tỉnh, thành phố; Tháng khuyến mại tập trung vào tháng 11...
Hà Nội là một trong những thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Hoạt động kích cầu không chỉ có tác dụng với riêng thành phố mà còn lan tỏa đến nhiều địa phương khác của cả nước, vì thế, đòi hỏi phải có chất lượng và hiệu quả cao.
Điều này phụ thuộc nhiều yếu tố, song nếu thể hiện tính chuyên nghiệp và chuyên nghiệp hơn sau mỗi dịp tổ chức hoạt động kích cầu sẽ thu hút được số lượng lớn cả người tiêu dùng và doanh nghiệp tham gia. Muốn vậy, chính quyền các địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho hoạt động này; doanh nghiệp tham gia chương trình luôn tìm được chính sách bán hàng hấp dẫn và nâng cao trách nhiệm trong giữ hình ảnh thương hiệu. Bên cạnh đó, hoạt động kích cầu nên được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm để hàng Việt tìm được chỗ đứng vững chắc ngay trên “sân nhà”.
Chương trình kích cầu tiêu dùng muốn gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng phải có các sản phẩm, dịch vụ tham gia uy tín, chất lượng. Vì thế, các doanh nghiệp tuyệt đối không được đưa những sản phẩm kém chất lượng trà trộn trong chương trình kích cầu. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đổi mới, đa dạng hóa hình thức khuyến mại, tổ chức tốt việc bán hàng trên cả kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Ở khía cạnh người tiêu dùng, nên thiết thực hưởng ứng bằng cách ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân lớn nên sẽ xuất hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng. Do đó, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng bằng cách tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Chương trình kích cầu tiêu dùng ở bề nổi góp phần tăng mức bán hàng, nhưng sâu xa hơn là giúp các doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất, tăng cường kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Vì thế, thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ giúp thị trường trong nước tăng sức bật, góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững.