Thu hút đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam
Xe++ - Ngày đăng : 19:06, 21/10/2020
Theo ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), các lĩnh vực: Y tế; giáo dục; tài chính, ngân hàng; nông nghiệp được Việt Nam chú trọng ưu tiên chuyển đổi số, với mục tiêu phát triển các nền tảng, ứng dụng phục vụ và góp phần thay đổi thói quen của người dân.
“Ví dụ, phát triển nền tảng khám, chữa bệnh từ xa nhằm giảm tiếp xúc nơi đông người, tiết kiệm chi phí cho người dân; hoặc cung cấp dịch vụ, công nghệ thanh toán hiện đại để hướng tới mục tiêu 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử...”, ông Đỗ Công Anh chia sẻ.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác như giao thông; tài nguyên, năng lượng và sản xuất nông nghiệp cũng đang được thực hiện chuyển đổi số nhằm mang lại giá trị lớn hơn, phục vụ nền kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho biết, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, do vậy cần phát triển nhiều công nghệ mới và hệ sinh thái doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể tham gia bằng cách chuyển giao công nghệ, xây dựng nhà máy, hợp tác với doanh nghiệp trong nước để kinh doanh...
Ở góc độ tập đoàn công nghệ toàn cầu, ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá, Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Các chủ trương tại Nghị quyết đã xác định Việt Nam cần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thiết kế, sản xuất và đổi mới sáng tạo. Tham gia quá trình này, Qualcomm hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ bản quyền công nghệ, nền tảng công nghệ, giúp các công ty công nghệ Việt Nam sản xuất, xuất khẩu sản phẩm di động, thiết bị 5G. Qualcomm cũng đặt mục tiêu hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để đưa ý tưởng công nghệ của Việt Nam ra với thế giới.
Còn ông Denis Brunnetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Myanmar thì cho rằng, để phục vụ cho chuyển đổi số, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh mới của Việt Nam. Vì theo ông Brunnetti, để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 52-NQ/TƯ đặt ra là kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025, chiếm 30% vào năm 2030 (hiện mới chiếm 10% GDP), Việt Nam phải thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp.
“Nếu đầu tư cho các hoạt động sản xuất phần cứng công nghệ thông tin thì kết quả đạt được chỉ là lợi thế cạnh tranh nhân công giá rẻ. Do vậy, để tiến xa, Việt Nam cần đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, cơ sở hạ tầng tiên tiến; chú trọng đầu tư vào 5G và internet vạn vật kết nối (IoT) để tạo cạnh tranh. Cùng với đó, phải phát triển kỹ năng cho doanh nghiệp, kỹ năng đổi mới sáng tạo ngay cho học sinh, sinh viên từ khi còn trên ghế nhà trường”, ông Brunnetti phân tích.
Cùng với các chính sách khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, theo ông Đỗ Công Anh, Chính phủ cũng cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm (sandbox) với các mô hình kinh doanh mới có tính chất đột phá. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước xây dựng khung chính sách pháp lý cho mô hình này phát triển.
Theo kế hoạch, từ 18h đến 21h cùng ngày, hội nghị bộ trưởng các nước Liên minh Viễn thông thế giới phiên thứ hai diễn ra với chủ đề về kỷ nguyên 5G...