Cứu trợ đồng bào miền Trung: Để tấm lòng trao đi trọn vẹn

Đời sống - Ngày đăng : 13:59, 22/10/2020

(HNMO) - Những nồi bánh chưng đỏ lửa suốt đêm, từng hàng dài xe cứu trợ nối đuôi hướng về miền Trung hay các hoạt động quyên góp áo quần, sách bút, may chăn ấm, làm đồ ăn... đang được nhiều tổ chức, cá nhân rốt ráo thực hiện. Tất cả đều hướng về Miền Trung! Tuy nhiên, để người đi cứu trợ an toàn, hàng cứu trợ được phân bổ hợp lý, đến được đúng người, đang phát sinh một số việc cần điều chỉnh.

Hàng cứu trợ đưa vào cho người dân vùng lũ Lệ Thủy (Quảng Bình). Ảnh: Lao động

Vận động quyên góp và hỗ trợ cần đúng quy định và thiết thực

Khúc ruột miền Trung những ngày qua liên tiếp phải hứng chịu thiên tai, bão lũ chồng bão lũ. Hàng vạn ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển nước, hàng trăm người thiệt mạng và cả chục ngàn người phải chống chọi, cầm cự trong hiểm nguy, khiến nhân dân cả nước lo lắng, xót thương quặn lòng và lập tức tiến hành các hoạt động cứu trợ. Đáng quý, đáng trân trọng là ngay khi bão lũ còn bủa vây, đồng hành cùng các lực lượng chức năng đang ngày đêm bất chấp nguy hiểm để di dời người dân đến nơi an toàn thì hàng trăm đoàn cứu trợ, đều là những nhóm, hội thiện nguyện tự phát từ khắp cả nước đã tìm mọi cách đưa hàng về các vùng bị ngập sâu thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế... hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Trong số những đoàn cứu trợ, có những đoàn liên hệ với chính quyền địa phương, có những đoàn đi tự túc, hoạt động nhiều cách thức khác nhau. Chính vì hoạt động thiện nguyện tự phát, khi nước lũ dâng cao, việc tiếp cận các hộ dân bị chia cắt gây nguy hiểm cho chính người đi cứu trợ và phát sinh ra một số hệ quả không mong muốn. Chẳng hạn, vào thời điểm nước lũ tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lên đỉnh điểm, việc các đoàn cứu trợ tự đi đò vào các vùng ngập lũ không an toàn. Thực tế đã có đoàn cứu trợ bị lật thuyền vì gặp sóng lớn nhưng may mắn có những thuyền gần đó cứu được. 

Cũng do các đội, nhóm thiện nguyện đi vào các vùng lũ nhưng thiếu định hướng, không nắm được các thông tin tại địa phương, dẫn đến tình trạng cứu trợ nơi thừa, nơi thiếu. Với những vùng dễ tiếp cận, nhiều đoàn thiện nguyện hoạt động nên dẫn đến tình trạng “người cho nhiều hơn người nhận”. Trong khi đó, còn nhiều vùng người dân thực sự khó khăn, thiếu thốn nhưng lại chưa nhận được sự hỗ trợ.

Ngoài ra, hàng hóa cứu trợ không được tính toán kỹ đã phát sinh những bất hợp lý như bánh chưng sau vài ngày không được bảo quản tốt dẫn đến hư hỏng; bà con đã được di tản đến nơi an toàn cần gạo, mắm muối nhưng vẫn chỉ nhận được mì tôm. Trường hợp đối tượng mạo danh một nữ ca sĩ kêu gọi ủng hộ để trục lợi hay những chuyện lợi dụng hoạt động thiện nguyện để đẩy giá hàng hóa cứu trợ hay các đoàn cứu trợ bị “chặt chém” khi thuê thuyền đưa hàng vào cho dân cũng bắt đầu xuất hiện, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác cứu trợ cho bà con cần được thực hiện nhanh chóng, đúng người, đúng nhu cầu lúc này. 

Nhằm chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai, để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ.

Hoạt động thiện nguyện cứu trợ thông qua chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương sẽ phát huy hiệu quả. Ảnh minh họa.

Để việc thiện nguyện trọn vẹn ý nghĩa

Là người dân địa phương, nắm rõ sự nguy hiểm của con nước nên chính quyền nhiều huyện, xã đã đứng ra tiếp nhận và chuyển hàng hóa cứu trợ vào cho bà con, tránh các đoàn tự đi lại gặp nguy hiểm. Theo ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ngay từ khi lũ lên, huyện đã thành lập các tổ tiếp nhận cứu trợ như ở ngã ba Cam Liên. Huyện bố trí cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận và phân phối hàng từ những đoàn cứu trợ, đảm bảo được tinh thần trách nhiệm và sự minh bạch trong việc tiếp nhận hàng. Cũng tại ngã ba Cam Liên, khi hàng trăm xe cứu trợ bị ùn ứ, huyện đã huy động tất cả nguồn lực thuyền, canô hiện có, thậm chí có cả những canô tăng cường từ lực lượng công an, quân đội từ tỉnh về để vận chuyển hàng đến vùng cần cứu trợ. 

Tâm lý của nhiều cá nhân tổ chức đi làm thiện nguyện là muốn tận tay trao tiền hoặc món quà tới bà con. Tuy nhiên, thực tế, chỉ có các cơ quan đoàn thể chính quyền đại phương, đặc biệt là cơ quan Mặt trận Tổ quốc mới có những thông tin vừa tổng thể vừa chi tiết, biết rõ gia cảnh, cần hỗ trợ cụ thể những gì. Hơn nữa đây sẽ là kênh điều phối bảo đảm việc tiếp nhận hàng hóa cứu trợ bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng. Một ví dụ được bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh nêu, trong ngày 20-10, tại tỉnh có 800 sinh viên Lào bị mắc kẹt do lũ, thiếu nước uống, thức ăn, đã được đơn vị tỉnh hỗ trợ kịp thời.

Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, có nhiều tổ chức và các đoàn từ thiện muốn về các địa bàn khó khăn để tận tay trao quà cho người dân, thì các địa phương sẽ có hướng dẫn và có lực lượng hỗ trợ bởi đây là sự sẻ chia hết sức đúng lúc, đáng trân trọng. Sau khi tiếp xúc với người dân, thấy hoàn cảnh của họ thực sự khó khăn, nhiều đoàn từ thiện đã quay lại lần 2, lần 3 và đều cảm kích trước sự giúp đỡ của địa phương.

Với kinh nghiệm làm thiện nguyện nhiều năm, bản thân đã không ít lần tổ chức các hoạt động cứu trợ bão lũ tại miền Trung, chị Đặng Lưu Hằng, chủ một quán ăn chay trên phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, các đoàn cứu trợ đi tự túc phải bảo đảm an toàn cho chính bản thân, không nên vì quá sốt ruột mà để mình trở thành gánh nặng, mối lo lắng cho địa phương và xã hội. Hơn nữa, việc thiếu định hướng, thông tin về địa phương sẽ khiến việc phân bổ hàng hóa cứu trợ không đều, những nơi cần thì không có mà những nơi được nhận nhiều quá dẫn đến thừa thãi”, chị Hằng chia sẻ kinh nghiệm. 

Anh Đặng Xuân Tuân, lái xe bán tải đã chạy một số chuyến vận chuyển hàng hóa miễn phí vào cho bà con vùng lũ cũng đưa ra lời khuyên các nhóm cứu trợ phải liên hệ với chính quyền hoặc các tổ chức đoàn thể đại diện cho địa phương để nắm tình hình cũng như sau khi đến phải nhờ sự hỗ trợ của địa phương để có được hướng dẫn đi an toàn, đến được nơi cần ứng cứu. Khi đó, chuyến đi mới thực sự phát huy hiệu quả. 

Cũng theo anh Tuân, những đoàn cứu trợ cần lưu ý khi tiếp nhận thông tin không chính thống, thậm chí thiếu chính xác trên mạng xã hội đồng thời không chia sẻ thông tin khi chưa xác thực, tránh đưa tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, vi phạm pháp luật. Các nguồn tin chính thống sẽ được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền sẵn lòng cung cấp. Do đó, các cá nhân, tổ chức hoạt động cứu trợ tại miền Trung nên đặt niềm tin vào các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương bởi đây là cách thức hỗ trợ hiệu quả, thiết thực nhất đến với bà con. Thông qua việc trao trực tiếp hoặc giám sát sau đó, các cá nhân, tổ chức sẽ vững tâm tin tưởng số tiền hay món quà của mình đến đúng những địa chỉ cần nhận. 

Và khi ấy, tấm lòng trao đi mới trọn vẹn ý nghĩa.

Bảo Hân