Nâng mức xử lý vi phạm hành chính và bảo đảm tính khả thi
Chính trị - Ngày đăng : 14:29, 22/10/2020
Cân nhắc tính khả thi của một số quy định
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, so với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề: Thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong xử lý vi phạm hành chính; về hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt; về biên bản vi phạm hành chính; thời hạn ra quyết định xử phạt…
Quá trình thảo luận, nhìn chung các đại biểu tán thành với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc đối với một số quy định để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện Luật.
Quan tâm đến vấn đề quy định cụ thể đối tượng đủ 18 tuổi trở lên áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) nêu quan điểm: “Tôi đề nghị quy định đối tượng đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, quy định ngay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà không đợi để quy định trong Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi”.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre) tranh luận với đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) về nội dung này và cho rằng, cai nghiện có hai biện pháp là bắt buộc và tự nguyện; đối tượng áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc này nằm ở Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). “Chúng ta đã phấn đấu cả một quá trình rất dài để thay đổi biện pháp hành chính chuyển từ thẩm quyền của UBND sang thẩm quyền của Tòa án để đưa người đi cai nghiện bắt buộc, trong đó xác định rõ tình trạng nghiện để đưa ra thời gian cai nghiện…”, đại biểu phân tích.
Thảo luận về nội dung bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 86), đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, việc bổ sung “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước” cần được chấp hành nghiêm chỉnh. Việc bổ sung là cần thiết nhưng cần làm thận trọng và chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực thôi; đồng thời đại biểu đề nghị cần phải gắn trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ điện, nước để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) đề nghị không bổ sung “ngừng cung cấp điện, nước” vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân, trong đó có người già, phụ nữ, trẻ em là những đối tượng cần được quan tâm, cần được bảo vệ, họ trực tiếp thụ hưởng và cũng là đối tượng trực tiếp chịu sự ảnh hưởng của Luật. Đây là yếu tố nhạy cảm, dễ dẫn đến bức xúc trong dư luận.
Đề nghị xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Băn khoăn về việc trên thực tế có những hành vi xúc phạm Đảng kỳ, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhấn mạnh: “Đảng kỳ, Quốc kỳ là hình ảnh thiêng liêng của Đảng, Nhà nước nhưng hiện nay vẫn có những hành vi xúc phạm. Mà hiện nay, việc xử lý hình sự, hành chính đều chưa có đối với hành vi xúc phạm Đảng kỳ. Chính vì vậy, việc sửa Luật lần này cần bổ sung việc xử phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm Đảng kỳ”.
Nêu thực tế, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhiều nhất với hậu quả nặng nề nhất hiện nay là do lái xe sử dụng chất ma túy, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Đoàn Thái Bình) đề nghị tước vĩnh viễn giấy phép lái xe đối với người sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cũng tán thành về tăng mức xử phạt vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực và cho rằng pháp luật cần được thực hiện nghiêm. Cụ thể, đại biểu phân tích ở khoản 1 điều 2 quy định mức xử phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực như vệ sinh môi trường, bạo lực gia đình là 30 triệu đồng, trật tự an toàn xã hội 40 triệu đồng, bảo vệ môi trường thủy sản 1 tỷ đồng… nhưng chưa nêu rõ hành vi vi phạm nào thì xử phạt đến mức tối đa. Đặc biệt, đại biểu nêu thực tế có hành vi liên quan đến trật tự an toàn xã hội, song vẫn chỉ xử phạt 200 nghìn đồng và khẳng định như vậy là pháp luật chưa được thực hiện nghiêm.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật chỉ quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, còn mức phạt đó được áp dụng trong từng lĩnh vực đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể như thế nào, mức phạt bao nhiêu trong khung mức phạt tối đa đó thì do Chính phủ quy định. Cho nên đối với việc thực hiện phạt tiền thấp đối với hành vi vi phạm, chưa phù hợp thì nghị định của Chính phủ cần được rà soát lại để có quy định mức phạt phù hợp hơn trong khung mức phạt tối đa của Luật.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đã có 23 đại biểu phát biểu ý kiến, 7 đại biểu phát biểu tranh luận. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua; trong đó cần quan tâm nghiên cứu thời điểm có hiệu lực của Luật để bảo đảm đủ thời gian Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và có đủ thời gian để tổ chức triển khai thi hành Luật.