Cơ sở lý luận và thực tiễn xác định, tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược phát triển đất nước trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 19:05, 22/10/2020

Cơ sở lý luận và thực tiễn xác định, tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược phát triển đất nước trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng” là chủ đề Hội thảo chuyên gia do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức ngày 22-10 tại Hà Nội.

PGS. TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Chánh Văn phòng Tổ Biên tập Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, chủ trì Hội thảo.

Đại hội XI của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược giai đoạn 2011-2020. Đại hội XII của Đảng đã đánh giá việc thực hiện 3 đột phá chiến lược và tiếp tục nhấn mạnh một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước là: Thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng về kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện tương đối khẩn trương từ Trung ương đến địa phương, đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đất nước ta bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Thể chế kinh tế thị trường cơ bản được hình thành, các loại thị trường từng bước phát triển thống nhất trong cả nước, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới.

Cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, thực hiện các giao dịch. Quy mô giáo dục và đào tạo tăng nhanh, chất lượng nguồn nhân lực có bước cải thiện đáng kể. Khoa học - công nghệ có bước phát triển. Kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp phát triển, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ, đường hàng không, bưu chính viễn thông…

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư Vũ Văn Phúc cho biết, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII nêu: Ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được điều chỉnh, bổ sung các khâu đột phá cụ thể, phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn phát triển.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong 5 năm (2021-2025), để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới, 3 đột phá chiến lược được bổ sung, điều chỉnh nội dung như sau:

(1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

(2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề như: Cách tiếp cận việc xác định và tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025, trong chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045; các nhân tố ảnh hưởng đến việc xác định và tổ chức thực hiện các khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025, trong chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045; căn cứ lý luận và thực tiễn xác định các đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025, trong chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045; căn cứ lý luận và thực tiễn để bước đầu tổ chức thực hiện các khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025, trong chiến lược 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045…

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế của BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam), kết quả phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 có những ưu điểm như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức khá cao; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: Từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực tư nhân và khu vực FDI; chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh với sự cải thiện đáng kể từ đầu tư tư nhân, đầu tư công và thu hút vốn FDI; hoạt động ngoại thương chuyển biến tích cực; cơ cấu lại nền kinh tế được đẩy mạnh; môi trường đầu tư - kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện rõ nét; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được tăng cường, vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế của BIDV, trình bày nội dung "Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 2011-2020 và đề xuất đột phá chiến lược cho giai đoạn 2021". Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tuy nhiên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực phân tích, quá trình thực hiện còn tồn tại một số hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế chưa đạt được kế hoạch, chất lượng tăng trưởng còn thấp; tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, chưa đi vào chiều sâu; kết quả 3 đột phá chưa rõ nét; hoạt động đổi mới, sáng tạo còn hạn chế; đóng góp của khu vực FDI chưa như mong muốn. Mức độ bền vững của nền kinh tế chưa cao.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cần có căn cứ xác định các đột phá, đó là: Xu hướng phát triển, bối cảnh quốc tế và trong nước; mục tiêu ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn tới; yêu cầu giải quyết những tồn tại, hạn chế; năng lực, nguồn lực và lợi thế của quốc gia.

Từ đó, cần đề xuất các đột phá chiến lược là: Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng chất lượng, có tầm nhìn; phát triển mạnh mẽ ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số và chính quyền số; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.

“Đứng trước xu hướng phát triển mới của quốc tế và sự vận động của nền kinh tế trong nước, Đảng và Nhà nước xác định tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bao trùm, phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình cao đến năm 2030 trên nền tảng đổi mới, sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Kết quả hội thảo là cơ sở để Ban Chủ nhiệm đề tài và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương xây dựng Báo cáo tư vấn trình Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Theo Quỳnh Hoa/TTXVN