Đào tạo nghề song hành: Đưa người học đến đúng vị trí việc làm
Đời sống - Ngày đăng : 14:42, 23/10/2020
Lựa chọn sai nghề, lãng phí nhiều mặt
Nguyễn Văn Hưng, cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội là một trong 10 Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam, đang làm việc tại một doanh nghiệp lớn với chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Để đạt được thành công này, Hưng đã chuyển hướng từ học đại học sang học nghề vì thấy bản thân lựa chọn không đúng.
“Cũng như nhiều bạn trẻ khác, trước ngã rẽ của cuộc đời, tôi đã chọn con đường lập thân, lập nghiệp bằng cách học đại học. Tuy nhiên, trong quá trình học, tôi sớm nhận ra nghề công nghệ thông tin mà tôi theo học không phù hợp với năng lực của bản thân. Sau thời gian tìm hiểu, suy nghĩ, tôi quyết định đăng ký học nghề cơ điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội. Được học tập trong môi trường phù hợp, tôi có cơ hội phát huy thế mạnh, sở trường”, Nguyễn Văn Hưng nói.
Sự cố gắng trong quá trình học nghề mang đến cho Nguyễn Văn Hưng những thành tích nổi bật, với Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019, danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI năm 2020, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Cùng chuyển hướng từ học đại học sang học trường nghề, giành nhiều giải cao trong các kỳ thi tay nghề, trở thành Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam, Nguyễn Văn Thiết, cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội đã có việc làm với vai trò là kỹ thuật viên cao cấp tại Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast Hải Phòng. Qua trải nghiệm thực tế, Nguyễn Văn Thiết nhắn nhủ: “Các bạn trẻ nên cân nhắc thật kỹ trước khi chọn nghề. Chọn sai sẽ lãng phí thời gian, tuổi trẻ của bản thân, tiền bạc của gia đình, nguồn lực đầu tư của xã hội”.
Ngoài những trường hợp nêu trên, không ít lao động trẻ đã chuyển hướng từ học đại học sang học nghề, thậm chí có những người đã tốt nghiệp đại học, không tìm được việc làm phù hợp đã quay trở lại học nghề. Trên phạm vi rộng hơn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiều lần đưa ra con số đáng suy ngẫm khi cả nước có khoảng 60% học sinh, sinh viên ra trường làm công việc không đúng với chuyên môn được đào tạo. Trong khi đó, các đơn vị, doanh nghiệp lại khó tuyển được lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu công việc.
Từ kinh nghiệm kết nối cung - cầu về lao động, bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc điều hành Navigos Search - đơn vị tư vấn tuyển dụng nhân sự cao cấp tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính khiến một số người lao động chưa tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo là do họ lựa chọn chưa đúng ngành, nghề, chưa dành sự đầu tư thỏa đáng để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Việc thực hành nghề cũng chưa được chú trọng…
Trường nghề phối hợp doanh nghiệp đào tạo song hành
Để cung ứng cho thị trường lực lượng lao động phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành, nghề, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo theo mô hình song hành. Nói cách khác, người học nghề vừa là sinh viên của nhà trường, vừa là người lao động của doanh nghiệp.
Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết, từ năm 2018, nhà trường và Công ty Hanwha Aero Engines, đóng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) triển khai chương trình đào tạo hệ cao đẳng (danh hiệu kỹ sư thực hành) theo hình thức vừa học, vừa làm. Đến nay, lớp Hanwha thu hút hơn 90 sinh viên theo học.
Điểm khác biệt của mô hình liên kết đào tạo này là doanh nghiệp chi trả 100% chi phí đào tạo cho người học, bao gồm cả học phí, sinh hoạt phí. Ra trường, 100% sinh viên được Công ty TNHH Hanwha Aero Engines nhận vào làm việc. Theo học lớp Hanwha, em Cao Vũ, đến từ xã Bình Yên (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: “Việc sinh viên được ký hợp đồng, trở thành người lao động của doanh nghiệp trước khi nhập học có rất nhiều lợi ích. Người học biết rõ bản thân sẽ làm gì, mức lương thế nào; còn gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ”.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Nam, cán bộ phụ trách nhân sự, Công ty TNHH Hanwha Aero Engines khẳng định: “Hình thức đầu tư này giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực, giảm chi phí đào tạo lại cho người lao động”.
Theo kế hoạch, mô hình đào tạo kỹ sư thực hành tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội sẽ tăng lên 800 sinh viên vào năm 2024. Ngoài ra, cơ sở này còn một số doanh nghiệp khác đang tổ chức đào tạo song hành cho hàng trăm sinh viên.
Tương tự, mới đây, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast khai giảng hai lớp chất lượng cao nghề cơ điện tử và công nghệ ô tô theo hình thức đào tạo song hành, thu hút 117 sinh viên theo học. Mô hình đào tạo này cũng được Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Huế… triển khai.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá, mô hình này là giải pháp quan trọng nhằm đào tạo nghề theo vị trí việc làm, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp và thị trường lao động, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có kỹ năng, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở giới trẻ, giảm tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”…