Người dân vùng lũ tiếp tục đón nhận nhiều tình cảm hỗ trợ
Đời sống - Ngày đăng : 19:19, 23/10/2020
Quảng Bình: 83% khách hàng toàn tỉnh đã được cấp điện trở lại
Thông tin từ Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết, đến 15h ngày 23-10, toàn tỉnh đã có 83% khách hàng được cấp điện trở lại. Hiện, còn hơn 34.000 khách hàng thuộc 32 xã, thị trấn vẫn đang mất điện, chủ yếu ở các địa bàn ngập sâu, giao thông chia cắt thuộc các huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch và Quảng Ninh. Ngay khi lũ rút, công ty đã gấp rút điều động 50 cán bộ, công nhân tăng cường cho các địa bàn bị thiệt hại nặng nề về lưới điện nhằm khẩn trương cấp điện trở lại cho khách hàng.
Theo số liệu báo cáo nhanh bước đầu từ các địa phương của Quảng Bình, đến chiều ngày 23-10, mưa lũ đã làm 11 người chết và 95 người bị thương; 109.254 nhà ở bị ngập sâu trong nước lũ; 13 nhà dân bị sập... Tỉnh vẫn còn hơn 1.000 ngôi nhà đang ngập trong nước lũ; chủ yếu ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Nhiều thôn, bản vẫn đang bị cô lập, chia cắt ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Trạch; đặc biệt, còn 52 thôn, bản vùng biên giới vẫn bị cô lập, chia cắt. Các hộ dân được di dời ở các huyện, thị xã, thành phố đã trở về nhà. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 4.000 hộ dân chủ yếu ở Lệ Thủy chưa thể trở về nhà do nhà vẫn đang ngập nước hoặc hư hỏng.
Tranh thủ thời tiết nắng ráo và nước lũ cơ bản đã rút gần hết, Quảng Bình tiếp tục khẩn trương huy động tổng lực mọi lực lượng, nguồn lực để phục vụ cho công tác cứu trợ và giúp dân khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.
Cùng đó, lãnh đạo tỉnh và các địa phương tiếp tục chia thành nhiều đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, động viên người dân nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn.
Đặc biệt, các địa phương, cùng các lực lượng chức năng tiếp tục huy động, phối hợp với các đoàn cứu trợ đi sâu vào các vùng lũ để cấp phát kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm cấp thiết cho người dân vùng lũ, vùng bị chia cắt, cô lập nhằm đảm bảo không để xảy ra việc có người dân bị đói, khát.
Sau nhiều ngày ngâm trong nước lũ, sức khỏe người dân đã giảm sút nhiều. Người dân cần được cung cấp lương thực, thực phẩm, thức ăn, nước uống, áo quần, chăn màn, các nhu yếu phẩm... kịp thời và đảm bảo đủ số lượng. Hiện, mì ăn liền người dân đã nhận được rất nhiều không thể ăn hết, trong khi lại thiếu gạo... Vì vậy, người dân mong được cứu trợ, trợ cấp gạo thay mì ăn liền. Đặc biệt, người dân đang rất cần các loại thuốc men để chăm sóc sức khỏe, nước sạch để sinh hoạt; các vật dụng phục vụ cuộc sống cần thiết hằng ngày do những vật dụng này đã bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng; ủng hộ tiền mặt để có điều kiện sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất..., sớm ổn định cuộc sống.
Quảng Trị: Khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh
Khắc phục hậu quả sau mưa lũ, ngành y tế tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau mưa lũ; tổ chức thu gom, xử lý môi trường; hỗ trợ cung cấp thuốc, hoá chất để khử trùng nguồn nước sinh hoạt…
Trong ngày, tỉnh Quảng Trị tiếp tục nhận được nhiều nguồn hỗ trợ quý báu, trong đó, Đoàn công tác Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao 5 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa bão và trao 400 triệu đồng hỗ trợ 10 gia đình có nhà bị đổ sập; Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường trao 1,3 tỷ đồng từ nguồn quyên góp của cán bộ, nhân viên Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị hỗ trợ cho người dân các các xã Triệu Thành, Triệu Ái (huyện Triệu Phong) và các xã Hải Sơn, Hải Phong (huyện Hải Lăng) 300 suất quà trị giá hơn 150 triệu đồng; Báo Hànộimới thông qua Báo Quảng Trị đã trao tặng 60 suất quà, trị giá 30 triệu đồng đến 60 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều ở thị trấn KrôngKlang, huyện Đakrông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình neo đơn bị thiệt hại nặng trong các đợt mưa lũ vừa qua.
Trong một diễn biến khác, sáng 23-10, trực thăng của Bộ Quốc phòng đã tiếp cận, đưa 2 người bị thương trong lúc đi tìm kiếm, giải cứu người dân bị lũ chia cắt tại huyện Hướng Hóa đến bệnh viện chữa trị và chở thêm hàng cứu trợ tới 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập.
Hà Tĩnh: Gần 40 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt
Ngày 23-10, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau mưa lũ. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng yêu cầu các địa phương tổ chức tốt lễ tang cho cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Quảng Trị; huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ, nhất là vệ sinh môi trường, phơi sấy lương thực.
Ngành môi trường tập trung xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, không để ô nhiễm, bùng phát dịch bệnh. Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cấp tổ chức tiếp nhận cứu trợ một cách chu đáo, trân trọng; các địa phương, ngành điều tiết phù hợp nguồn hàng cứu trợ. Sở Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn. Ngành điện lực sửa chữa, nâng cấp các trạm phát...
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các cấp, ngành tập trung chỉ đạo sản xuất sau lũ, UBND tỉnh sớm kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn giống cây, con và hỗ trợ nguồn lực khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng bị hư hại, xây dựng các trạm quan trắc, dự báo lũ và giải pháp chống ngập cho thành phố Hà Tĩnh. Về lâu dài, cần kêu gọi, huy động nguồn lực để xây dựng các nhà cộng đồng để bà con sinh hoạt khi tránh lũ.
Tính đến chiều 23-10, Hà Tĩnh đã nhận được sự ủng hộ và đăng ký ủng hộ của hơn 370 tổ chức, cá nhân với 39,933 tỷ đồng gồm tiền và hàng hóa.