Nông nghiệp Thủ đô nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:20, 23/10/2020
Cả chăn nuôi và trồng trọt đều chuyển biến
Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của nước ta, trong đó có ngành Nông nghiệp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong 9 tháng của năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng tới 3,05% so với cùng kỳ năm trước (dù quý I-2020 tăng trưởng âm), trong khi nông nghiệp cả nước tăng trưởng 1,65%. Đây là thành quả của việc ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chủ động xây dựng các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa, nhờ chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên thành phố đã có 60% diện tích lúa là những giống có chất lượng. Cây ăn quả là nhóm cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế lớn cũng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản. "Hiện diện tích cây ăn quả trên địa bàn thành phố là 19.026ha, tăng 0,63% so với năm 2019 và sản lượng cũng tăng đáng kể", bà Hoàng Thị Hòa thông tin.
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, năm 2020 số lượng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, đàn trâu hiện có 24,85 nghìn con, tăng 2,26%; đàn gia cầm 38,9 triệu con, tăng 5,14%; đàn lợn khoảng 1,3 triệu con, tăng 9,24%.
Thành quả nêu trên là nền tảng quan trọng để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 4,12% trong năm 2020. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế trong tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, cần có quyết tâm cao và hệ thống giải pháp phù hợp để thúc đẩy sản xuất, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Lấy thắng lợi vụ đông làm điểm bứt phá
Nhiệm vụ trước mắt với ngành Nông nghiệp Thủ đô là chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, tập trung thực hiện thắng lợi sản xuất vụ đông. Đây là vụ sản xuất chính đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của ngành cuối năm 2020 và đầu năm 2021; đồng thời bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm cho thị trường tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Cùng với việc tăng cường kiểm tra đồng ruộng, dự báo, phát hiện và xử lý sớm các bệnh trên cây trồng để không lây lan phát sinh thành dịch, Sở NN&PTNT sẽ chủ động phối hợp với các địa phương điều chỉnh về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống; đồng thời rà soát diện tích ruộng bỏ không để triển khai các loại cây trồng phù hợp.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản xuất, liên kết, tiêu thụ bảo đảm cung ứng nguồn nông sản cho thị trường Thủ đô, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn gắn với phòng, chống dịch bệnh, không để tình trạng khan hiếm thịt lợn và bảo đảm bình ổn giá trên thị trường. Cùng với đó là phát triển nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nuôi thả các giống thủy sản được người tiêu dùng ưa chuộng để nâng cao giá trị kinh tế.
Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã xây dựng các phương án sản xuất vụ đông để đạt hiệu quả cao nhất. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy thông tin: Vụ đông năm 2020-2021, Thường Tín phấn đấu trồng từ 2.100ha cây vụ đông trở lên. Huyện hỗ trợ 100% giá giống cho toàn bộ diện tích trồng cây bí xanh, bí đỏ, dưa chuột trên đất 2 lúa; hỗ trợ 50% giá giống cho mô hình liên kết “4 nhà” trong trồng khoai tây...
Tương tự, các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phú Xuyên… cũng đã sớm xây dựng kế hoạch và gieo trồng với nhiều nhóm cây trồng chất lượng cao như rau các loại, hoa ngắn ngày, hoa cảnh, cây cảnh…
Với quyết tâm và phương thức tiếp cận mới, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp trên từng nhóm cây trồng, vật nuôi, đồng thời điều chỉnh thời vụ, sản xuất theo nhu cầu thị trường, hướng tới một vụ đông thắng lợi và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2020.