Đạo diễn Phan Đăng Di: Trao cơ hội cho các nhà làm phim trẻ
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 24/10/2020
- Thưa đạo diễn Phan Đăng Di, là người sáng lập sự kiện điện ảnh “Gặp gỡ mùa thu”, anh có thể cho biết chương trình này đã mang đến những cơ hội nào cho các nhà làm phim trẻ?
- Chương trình “Gặp gỡ mùa thu” được tổ chức thường niên ở Đà Nẵng từ năm 2013 - 2019, và năm nay có thể không diễn ra vì dịch Covid-19. Đó là hoạt động điện ảnh quốc tế thường niên do tôi cùng Trần Bích Ngọc, Nguyễn Thanh Bình thực hiện. Khởi đầu của Gặp gỡ mùa thu chỉ là một lớp học về đạo diễn do đạo diễn Trần Anh Hùng dẫn dắt, gồm 12 nhà làm phim trẻ Việt Nam. Những năm sau, hoạt động này được mở rộng, chúng tôi có các lớp về diễn xuất, thiết kế mỹ thuật, dựng phim, chỉnh màu... với các học viên quốc tế đến từ hầu hết các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chúng tôi cũng quy tụ được các giảng viên của các trường điện ảnh nổi tiếng đến giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm. Chúng tôi mong muốn chương trình sẽ giúp đỡ các bạn trẻ yêu thích làm phim ở bước đầu sự nghiệp. Họ có thể tiếp cận, làm việc trực tiếp với các bậc thầy, các đồng nghiệp trong nước và ở nước ngoài. Tại đây, họ cũng có thể tìm nguồn tài chính để hỗ trợ cho dự án của mình.
- Học viên từng theo học tại “Gặp gỡ mùa thu” đã thu được kết quả gì sau các khóa học, thưa anh?
- Rất nhiều dự án ra đời, có những tác phẩm đến được với các liên hoan phim quốc tế. Một học viên đến từ Singapore làm phim dài và đoạt giải Báo Vàng, giải lớn nhất tại Liên hoan phim Locarno (Thụy Sĩ) năm 2018. Trần Dũng Thanh Huy, một học viên của “Gặp gỡ mùa thu” là đạo diễn phim Ròm - giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) năm 2019. Rồi là Nguyễn Phương Anh với phim Người vợ ba... Họ đã được chào đón ở nhiều liên hoan phim quốc tế.
Hoạt động của “Gặp gỡ mùa thu” thực sự hữu ích bởi nó đem lại nhiều cơ hội cho các nhà làm phim không chỉ ở Việt Nam. Đó là diễn đàn, là môi trường tốt để mọi người có thể trao đổi kinh nghiệm, thể hiện tình yêu điện ảnh và tiếp cận những liên hoan phim hàng đầu thế giới.
Tuy vậy, chúng tôi đang là một tổ chức mang tính thiện nguyện. Mọi người làm việc đều không có lương. Mỗi năm chúng tôi phải tự đi tìm nguồn tài trợ từ các khu vực tư nhân, các quỹ... Điều đó rất mất thời gian. Số người tham dự sự kiện hằng năm có thể lên đến vài trăm người, trong đó hơn 20% là khách quốc tế, đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong tổ chức. Đó là một thách thức đối với chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi kỳ vọng biến hoạt động này thành Liên hoan phim quốc tế tại Đà Nẵng.
- Trong tâm thế của một nhà làm phim độc lập, anh đánh giá như thế nào về sự chủ động của những nhà làm phim trẻ?
- So với thời của tôi thì các em bây giờ có lợi thế về ngoại ngữ, có cơ hội tốt hơn để đến với các liên hoan phim quốc tế. Các em hoàn toàn tự quyết định hướng đi của mình dựa trên năng lực. Ở nước ta, sáng tạo điện ảnh còn nhiều chủ đề thú vị cần được khai thác. Bên cạnh đó, các nhà làm phim trẻ Việt Nam đang có nguồn năng lượng khá tốt, có nhiều thứ kích thích họ, nhiều cơ hội mở ra. Sự kiện “Gặp gỡ mùa thu” hay một số liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam cũng tạo cho họ điều kiện tiếp cận hệ thống làm phim quốc tế tương đối đơn giản và thường xuyên.
- Thực tế là, dù có thể thành công tại các liên hoan phim quốc tế nhưng phim độc lập vẫn gặp khó khăn khi ra rạp trong nước...
- Tôi nghĩ, nếu những bộ phim ấy đủ tốt thì đương nhiên khán giả sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất là chúng ta còn thiếu quá nhiều yếu tố để tạo ra một hệ thống sản xuất phim với nội dung phong phú đủ để cạnh tranh với phim nước ngoài.
Đương nhiên, nếu mong muốn đi đường xa, tạo ra thế hệ làm phim có tiếng nói quan trọng, định hình hình ảnh điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế thì không thể thiếu được chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chúng tôi mong chờ và luôn nghĩ rằng, nếu có sự tính toán kỹ càng hơn về việc đầu tư vào tài năng trẻ cộng với một chính sách bài bản thì chắc chắn chúng ta sẽ có vị thế tốt trong nền điện ảnh thế giới.
- Trân trọng cảm ơn anh!